Trong bối cảnh doanh nghiệp cắt giảm lao động khiến người lao động mất việc làm và không còn thuộc diện được tham gia BHXH bắt buộc, hiểu được tầm quan trọng của chính sách BHXH, rất nhiều người lao động ở Hải Phòng đã chủ động vào “lưới an sinh” bằng cách tham gia BHXH tự nguyện.
“Tấm khiên” khi khám chữa bệnh
Điển hình như ở xã Hồng Thái (huyện An Dương), đến nay toàn xã có trên 1.200 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), cùng hàng chục người tham gia BHXH tự nguyện. Đây là kết quả của việc chú trọng mở rộng mạng lưới đại lý thu, tuyên truyền viên về chính sách an sinh xã hội những năm qua.
Một trong những câu chuyện được rất nhiều người dân ở Hồng Thái nhớ đến khi nhắc đến chính sách BHXH tự nguyện là trường hợp của anh Vũ Văn Cần. Đúng vào dịp cận Tết Nguyên đán cách đây 2 năm, anh Cần bất ngờ phải nhập viện để chữa bệnh, số tiền lên đến gần 70 triệu đồng.
Chính sách BHXH tự nguyện đang dần "ngấm" sâu hơn vào đời sống của người lao động ở Hải Phòng. |
Ngặt nghèo ở chỗ, sau thời gian dài sức khỏe tốt, cảm thấy tấm thẻ BHYT không có nhiều tác dụng nên anh Cần không có ý định tái thẻ và thẻ hết hiệu lực trước đó chỉ vài ngày khi anh phải vào viện.
Giữa tình thế khó khăn vì số tiền quá lớn, gia đình anh Cần đã tìm đến cơ quan BHXH địa phương để được tư vấn giúp đỡ. Và, với sự tâm huyết của những người làm chính sách, cán bộ của cơ quan BHXH đã nhanh chóng hỗ trợ gia đình anh Cần làm các thủ tục để gia hạn thẻ BHYT.
“Đến giờ tôi vẫn chưa bao giờ hết biết ơn chị Thơ, đại lý thu BHXH xã Hồng Thái. Nhờ có sự giúp đỡ của cán bộ BHXH địa phương, tôi được gia hạn thẻ rất nhanh, số tiền chữa bệnh từ 70 triệu đồng được giảm xuống còn chưa đầy 6 triệu đồng”, anh Cần xúc động kể lại.
Sau khi trải qua một cơn nguy khốn theo đúng nghĩa đen, anh Cần giờ hiểu được tầm quan trọng của việc tham gia BHYT. Năm 2021, anh đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, dự kiến đến tuổi về hưu thì đóng BHXH một lần cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
Truyền cảm hứng tham gia BHXH
Câu chuyện của anh Cần cũng tựa như câu chuyện của chị Nguyễn Thị Biên (trú tại cụm 5, phường Đông Khê, TP Hải Phòng). Cả nhà đều là lao động tự do, chồng hay đau ốm, nên dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, cách đây 5 năm, chị Biên vẫn cố gắng tích cóp để tham gia BHXH cho cả gia đình.
Chị Cần chia sẻ, ngay sau khi được tư vấn “thấu tình đạt lý” của các bộ BHXH, chị không hề do dự mà vận động cả nhà 6 người cùng tham gia. Theo chị, nhìn vào con số phải đóng thì rất sợ, nhưng thực tế mỗi ngày chỉ cần tiết kiệm 10-20 nghìn đồng.
“Tôi đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện ngay cho cả 6 người trong gia đình với mức thu nhập thấp nhất, người tham gia chỉ đóng có gần 200 nghìn đồng/tháng, bởi đã được Nhà nước hỗ trợ một phần. Vợ chồng tôi chọn phương thức đóng một lần cho 5 năm. Các con tôi đóng 3 tháng 1 lần”, chị Nguyễn Thị Biên cho hay.
TP Hải Phòng dự kiến tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện. |
Sau 5 năm tham gia BHXH tự nguyện, chị Biên cho hay chính sách an sinh giúp gia đình chị tiết kiệm cả trăm triệu tiền khám chữa bệnh, phần lớn là chi phí khám chữa bệnh cho chồng chị. Đến khi chồng chị mất, cơ quan bảo hiểm cũng giải quyết rất nhanh chế độ tử tuất.
Cũng giống như gia đình chị Biên, anh Cần, nhiều gia đình ở Hải Phòng đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho tất cả các thành viên là lao động tự do đủ 15 tuổi trở lên. Thuận lợi nhất ở đây là người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với khả năng, thu nhập.
Như ở xã Thái Sơn (An Lão) hiện đang có trên dưới 4 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT. “Hiện, số người tham gia BHYT hộ gia đình tại xã Thái Sơn đạt trên 91%, góp phần an sinh xã hội cũng như góp phần vào việc đạt tiêu chí nông thôn mới của xã nhà”, cán bộ xã Thái Sơn cho biết.
Nhân rộng 4 mô hình hay
Có thể thấy, chính sách BHXH trên địa bàn TP Hải Phòng đang có nhiều thành công tích cực. Một trong những nhân tố tạo nên những thành công đó là niềm cảm hứng từ những trường hợp “người thật, việc thật”, cùng sự nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ cán bộ làm công tác BHXH địa phương.
Tính đến tháng 6/2023, toàn TP có 484.581 người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ 46,87% lực lượng lao động trong độ tuổi; trong đó về BHXH bắt buộc có 458.352 người (đạt 91,57% kế hoạch), về BHXH tự nguyện có 26.229 người (đạt 83,14% kế hoạch), về BHYT có trên 1,9 triệu người (đạt 98,11% kế hoạch và đạt tỷ lệ bao phủ 92,15% dân số)
Với kết quả đã đạt được, thời gian tới, TP sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm gia tăng số tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Trong đó có 4 mô hình tiêu biểu gồm: Mô hình người thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện; đặt chỉ tiêu mỗi gia đình nên có từ 1-2 người tham gia; ưu tiên lựa chọn phụ nữ tham gia.
Mô hình các chi hội trưởng, chi hội phó, hội viên các hội đoàn thể tham gia BHXH tự nguyện, đặt ra mục tiêu phấn đấu 100% hội viên các tổ chức đoàn thể trên địa bàn đều tham gia BHYT.
Mô hình cán bộ không chuyên trách, thành viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể (không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc), hội viên làng nghề truyền thống, các tiểu thương tham gia BHXH tự nguyện; BHYT hộ gia đình;
Mô hình vận động thân nhân người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động (tập trung vào các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp), người có việc làm và thu nhập ổn định để vận động tham gia BHXH tự nguyện; BHYT hộ gia đình.
“Đây là 4 mô hình cơ bản được xây dựng trên cơ sở các điều kiện thực tiễn tại Hải Phòng, yêu cầu BHXH các quận, huyện linh hoạt triển khai, nhân rộng. Đồng thời tiếp tục phát huy sự sáng tạo, khuyến khích xây dựng thêm các mô hình hiệu quả vận động BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngay từ cơ sở”- ông Mạc Thanh Giang - Phó Giám đốc BHXH TP.Hải Phòng nhấn mạnh.
Mỹ Chí