Bà Khuất Thị Anh Văn sinh ra và lớn lên ở khu 12 xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Khi trưởng thành, bà làm công nhân cho một doanh nghiệp nước ngoài và được đóng BHXH bắt buộc trong thời gian 9 năm 9 tháng. Sau đó, đại dịch Covid-19 ập đến, bà mất việc do công ty giải thể.
Quyết định vì lợi ích lâu dài
Ở tuổi ngoài 50, việc tìm được công việc mới tại các doanh nghiệp để được đóng tiếp BHXH bắt buộc với bà Văn gần như là không thể. Vì vậy, sau khi hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, bà tính đến phương án rút BHXH một lần để có tiền chi tiêu, lo cho cuộc sống trước mắt.
Bà Văn chia sẻ, sau khi nghỉ việc, rất nhiều đồng nghiệp cùng công ty, rồi bạn bè xung quanh khuyên bà rút BHXH một lần vì “chờ đợi thì biết đến bao giờ”. Vì cuộc sống cũng không mấy dư giả nên bà cũng bị lung lay và chỉ trong đầu tháng 12/2021, bà đã 3 lần nộp hồ sơ đề nghị thanh toán tiền BHXH.
Ngày càng nhiều người dân ở Phú Thọ lựa chọn đóng BHXH tự nguyện để đảm bảo cho tương lai. |
Tuy nhiên, đặc điểm chung của cả 3 lần trên là bà Văn đều nhận được cuộc gọi tư vấn, giải thích, phân tích cặn kẽ về cái lợi, cái hại của việc rút BHXH một lần. Đến lần thứ 4, bà được mời lên cơ quan BHXH huyện Phù Ninh để “đàm phán” lần cuối, và đến lần này, với sự tâm huyết của cán bộ BHXH, bà đã hồi tâm chuyển ý.
Sau khi quyết định không nhận BHXH một lần, bà Văn tham gia BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 10 năm, sau đó thu xếp tiền để đóng nốt 10 năm còn lại để đủ điều kiện nhận lương hưu. Đến tháng 4/2022, bà Văn chính thức nhận những tháng lương hưu đầu tiên.
“Đã hơn một năm rồi, nhưng mỗi lần nhận lương hưu tôi vẫn cảm thấy bùi ngùi xúc động. Tôi chưa từng nghĩ một lao động phổ thông lại có ngày được nhận lương hưu, có BHYT để khám chữa bệnh miễn phí. Nghĩ lại thời gian định rút BHXH một lần, tôi lại thấy may mắn vì sự nhiệt tình của cán bộ BHXH. Nếu không có sự tận tâm ấy, có lẽ giờ tôi đã tiêu hết tiền, tuổi già lại trở thành gánh nặng”, bà Văn tâm sự.
Tham gia để có “của để dành”
Không có được điểm tựa gần 10 năm tham gia đóng BHXH bắt buộc như bà Văn, nhưng chị Hồ Thị Thu Hương (phường Thọ Sơn, TP. Việt Trì, Phú Thọ) đã chủ động tham gia BHXH tự nguyện với mức thu nhập làm căn cứ đóng 2,5 triệu đồng/tháng.
Chị Hương chia sẻ trước khi biết đến chính sách BHXH tự nguyện, chị nghĩ việc có lương hưu chỉ dành cho những lao động chính thức của doanh nghiệp lớn, cho cán bộ công nhân viên chức. Sau khi hiểu rõ về lưới an sinh của Nhà nước, chị nhanh chóng đồng ý tham gia.
“Tôi tham gia trước hết vì nhà không có nhiều ruộng đất, chỉ làm nghề tự do, con cái sẽ có cuộc sống riêng, nghĩ đến tuổi già thì tích lũy ngay từ khi còn khỏe để có của để dành là điều cần thiết. Chưa kể là yên tâm về sức khỏe vì có BHYT khám chữa bệnh miễn phí. Rõ ràng là lợi trước mắt, lợi cả lâu dài”, chị Hương nói.
Phú Thọ đang hướng tới BHXH toàn dân với các chiến lược truyền thông, lan tỏa mạnh mẽ. |
Đáng chú ý, không chỉ tự mình tham gia, chị Hương còn tích cực tham gia tuyên truyền, lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện đến hàng xóm, người thân, bạn bè. Với tư cách là “người thật, việc thật”, những chia sẻ của chị có tính thuyết phục rất cao đối với người nghe. Đặc biệt, chị cũng rủ chồng cùng tham gia.
Có thể thấy, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chính sách BHXH tự nguyện đang ngày càng được lan tỏa, làm thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ về chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người tham gia BHXH tự nguyện ở Phú Thọ được nhận lương hưu, đảm bảo cuộc sống khi về già, giảm gánh nặng cho con cháu.
Đẩy mạnh mở rộng lưới an sinh
Chính những chiến lược phát triển phù hợp, đúng hướng đã giúp BHXH tỉnh Phú Thọ gặt hái nhiều thành công tích cực. Trong nửa đầu năm 2023, BHXH tỉnh đã chủ động, tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan trong công tác thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế tại địa phương.
Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có gần 49 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, đưa Phú Thọ là một trong 10 tỉnh có tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện tăng cao trên cả nước. Trong đó, 100% người thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT; 93,5% dân số tham gia BHYT, vượt 2% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Đạt được kết quả này, các Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT giữ vai trò rất quan trọng với việc vận động và trực tiếp thu tiền của 46.503 người tham gia BHXH tự nguyện (chiếm 94,9% tổng số người tham gia tại tỉnh); 237.179 người tham gia BHYT hộ gia đình (chiếm tỷ lệ 94,3% tổng số người tham gia.
Trong năm 2023, để hoàn thành chỉ tiêu được giao, cơ quan BHXH tỉnh dự kiến đẩy mạnh phối kết hợp chặt chẽ hơn với các tổ chức dịch vụ thu, triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp nhằm vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng.
Các tổ chức dịch vụ thu đẩy mạnh khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu người chưa tham gia BHXH, BHYT theo các nhóm đối tượng tiềm năng do cơ quan BHXH bàn giao; giao các điểm thu chủ động phối hợp với cán bộ BHXH chuyên quản xã, phường, thị trấn thực hiện tuyên truyền, tư vấn, vận động trực tiếp từng người dân tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trở lại để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và hoàn thành kế hoạch giao.
BHXH tỉnh, BHXH huyện phối hợp chặt chẽ với các tổ chức dịch vụ thu giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, tạo niềm tin cho người dân đối với cơ quan BHXH và chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Lệ Chi