Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT (Nghị định số 75).
Tăng quyền lợi cho người tham gia
Nghị định này có nhiều điểm mới theo hướng tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT, nhưng cũng đặt ra trọng trách, yêu cầu cao từ phía các cơ quan liên quan, đặc biệt là ngành BHXH Việt Nam trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT theo quy định.
![]() |
Nghị định 146 có nhiều điểm mới theo hướng tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT. |
BHXH Việt Nam cho biết đã bổ sung 02 nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước (NSNN) đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT, gồm: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng (ATK) vào nhóm được NSNN đóng; Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào nhóm được NSNN hỗ trợ đóng BHYT (hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 01/11/2023).
Việc Nghị định số 75 bổ sung đưa nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào nhóm được NSNN hỗ trợ mức đóng BHYT có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế có cơ hội được tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT, qua đó góp phần duy trì, phát triển diện bao phủ BHYT.
Đồng thời bổ sung, Nghị định trên nâng mức hưởng khám chữa bệnh BHYT như: Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc: Nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí KCB BHYT; Người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình: Nâng mức hưởng từ 80% lên 95% chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá nhưng đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (mã TG): có mức hưởng 95% chi phí KCB BHYT.
Bên cạnh đó, quy định về thủ tục khám chữa bệnh BHYT được đơn giản, theo hướng cho phép xuất trình căn cước công dân thay thế cho thẻ BHYT có ảnh; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ đã được định danh điện tử mức độ 2 trên VNeID khi đi khám chữa bệnh.
Đặc biệt, trong trường hợp quá thời gian hẹn khám lại, trong thời gian 10 ngày kể từ ngày được hẹn khám lại, người bệnh liên hệ nhân viên y tế để đăng ký lịch khám phù hợp hoặc tự đến khám lại. Với sự nỗ lực của toàn ngành BHXH, dự kiến đến hết năm 2023, tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt 93,35% dân số.
Đề xuất thêm gói BHYT tự nguyện
Đáng chú ý, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Y tế đang phối hợp các bộ, ngành liên quan sửa đổi Luật BHYT theo hướng bổ sung chính sách, quyền lợi cho người tham gia, nhằm đạt mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân theo chuyên gia Việt Nam cần huy động đủ nguồn tài chính đáp ứng yêu cầu được chăm sóc sức khỏe của người dân.
![]() |
Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đề xuất gói bảo hiểm y tế bổ sung nhằm tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT. |
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đề xuất gói BHYT bổ sung nhằm tăng quyền lợi cho người tham gia. Bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, gói BHYT bổ sung này là tự nguyện, người dân tham gia trên cơ sở đã tham gia BHYT bắt buộc.
Gói BHYT bổ sung sẽ bao phủ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả, quyền lợi tăng thêm mà người bệnh có nhu cầu, dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được BHYT cung cấp.
Về mức phí cho BHYT bổ sung, hiện nay sẽ do phía đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ quy định nguyên tắc xây dựng mức phí để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, phạm vi chi trả không được trùng lặp với BHYT bắt buộc.
Một số quyền lợi gói BHYT bổ sung mang tính chất nâng cao như quyền sử dụng thuốc, dịch vụ y tế theo yêu cầu, thuốc có chi phí cao chưa được BHYT bắt buộc chi trả, người dùng bảo hiểm y tế được lựa chọn cơ sở y tế cho mình... Các cơ quan chức năng sẽ đề xuất cơ chế pháp lý rõ ràng để giám sát việc thực hiện BHYT bổ sung.
Tuy nhiên, đây là chính sách mới có liên quan đến quyền của người tham gia BHYT cho nên các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính y tế, cơ quan quản lý nhà nước liên quan cho rằng cần có những điều chỉnh ở cấp độ luật để đồng bộ với những luật khác có liên quan.
Đáng chú ý, đây là gói BHYT mang tính chất tự nguyện của người đã tham gia BHYT bắt buộc rồi, cho nên các quy định phải chi tiết, rõ ràng để bảo đảm quyền của người tham gia về phạm vi chi trả, về sự không trùng lặp về quyền lợi.
Hiện nay, số tiền bệnh nhân đồng chi trả chiếm khoảng 9% tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Dự kiến, chi từ tiền túi khi đi khám, chữa bệnh ngoại trú sẽ giảm 25% khi áp dụng hình thức BHYT tự nguyện và mức giảm khi đi khám chữa bệnh nội trú sẽ là 41%. Như vậy, giảm tổng chi tiền túi sẽ là khoảng 20 đến 31%.
Ngoài ra, BHYT bổ sung cũng giúp tăng tiếp cận dịch vụ y tế bao gồm cả dịch vụ theo yêu cầu, kỹ thuật cao (có mức đồng chi trả lớn), huy động thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khỏe...
Vì vậy, việc điều chỉnh, bổ sung phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT là cần thiết và theo đúng định hướng "Mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.
Tuy nhiên, việc mở rộng đến đâu cần được đánh giá một cách toàn diện trong bối cảnh nhu cầu càng cao nhưng nguồn tài chính quỹ còn hạn chế. Đặc biệt việc xem xét mở rộng các quyền lợi về dịch vụ sàng lọc chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh cần được nghiên cứu, đánh giá cụ thể, chính xác để lựa chọn được các dịch vụ có tính chi phí-hiệu quả nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT.
Giải quyết đúng kịp thời quyền lợi
Nói về chính sách BHYT trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Tổng Giám đốc BHXH cho biết, năm 2023, chính sách BHYT được tổ chức triển khai thực hiện với nhiều điểm mới như việc điều chỉnh các nhóm đối tượng tham gia BHYT, nâng cao chất lượng, quyền lợi của người tham gia BHYT… Cùng với đó là việc ban hành quy trình giám định BHYT mới; đồng bộ danh mục kỹ thuật với giá dịch vụ y tế mới và đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, dịch vụ công về KCB BHYT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Mở rộng diện bao phủ, phát triển BHYT theo chỉ tiêu của Chính phủ giao.
Thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế trong việc xây dựng, sửa đổi Luật BHYT, triển khai kịp thời các quy định mới đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi tốt nhất cho người có thẻ BHYT khi khám chữa bệnh. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện việc ứng dụng CNTT công tác khám chữa bệnh BHYT nói chung, giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT nói riêng, trong đó tập trung hoàn thiện việc chuẩn hóa danh mục, kết nối liên thông dữ liệu với các cơ sở khám chữa bệnh và tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ giám định trên toàn quốc.
Theo BHXH Việt Nam, hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người KCB BHYT được đảm bảo quyền lợi. Hàng ngàn người được quỹ chi trả chi phí khám, chữa bệnh lên tới hàng trăm triệu đồng, đặc biệt, có những bệnh nhân được quỹ chi trả với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Đơn cử như quý I/2023, toàn quốc đã có 99 bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB trên 500 triệu đồng, 8 bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB trên 1 tỷ đồng.
Năm 2020-2023 do tác động của dịch Covid-19, quỹ BHYT đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng chống dịch Covid-19, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh, thời gian tới, trách nhiệm của cơ quan BHXH sẽ ngày một lớn hơn, toàn ngành tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu chỉ tiêu thực hiện BHYT đến năm 2025, tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95,15% dân số, tiến tới BHYT toàn dân theo đúng mục tiêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; giải quyết đầy đủ, kịp thời quyền lợi BHYT cho người tham gia.
Thy Lê