Lực lượng lao động làm việc trong khu vực HTX tương đối đông, nhưng tỷ lệ lao động được đào tạo kỹ năng nghề còn rất thấp. Điều này khiến cho lao động trong khu vực HTX có thu nhập thấp hơn so với lao động trong khu vực khác, đồng thời hiệu quả hoạt động của các HTX chưa như mong đợi.
Trình độ chưa như mong đợi
Bà Phạm Thị Tố Oanh - Trưởng ban Chính sách và Phát triển HTX (Liên minh HTX Việt Nam), cho biết đến thời điểm giữa tháng 11/2019, cả nước có 23.905 HTX, tăng 6,5% so với năm 2018, trong đó nhiều nhất là HTX nông nghiệp với 14.379 HTX, chiếm 63% tổng số HTX trong cả nước. Lao động thường xuyên trong HTX là hơn 2.542.000 người, trong đó hơn 1.785.000 người làm việc trong khu vực phi nông nghiệp, 757.000 người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hoạt động của các HTX thời gian qua có nhiều thuận lợi do có các Nghị quyết của Đảng, Luật HTX, các Nghị định, Thông tư; hệ thống các chính sách hỗ trợ, ưu đãi; nhận thức về bản chất của HTX cũng được nâng cao do có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống Liên minh hai cấp.
“Thu hút được số lượng lao động đông đúc, nhưng thực tế ngày công lao động của lao động thường xuyên trong khu vực HTX chưa cao như mong đợi, bởi trình độ, năng lực của người lao động (NLĐ) còn hạn chế, phần đông chưa qua đào tạo nghề, kỹ năng nghề và các kiến thức chuyên môn, mà chủ yếu tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm và số ít lao động được đào tạo thông qua các lớp ngắn hạn”, bà Oanh cho biết.
Theo ông Trần Đỗ Liêm - Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm (Tiền Giang), làm gì để nâng cao thu nhập của lao động thường xuyên trong khu vực HTX là vấn đề được các HTX quan tâm. Bởi nó liên quan đến cuộc sống, lao động, thu nhập và an sinh xã hội của người dân, trong đó nhất là thành viên HTX.
“HTX được công nhận chính thức bằng Luật HTX 2012, nhưng thành viên và NLĐ thì không chính thức. Điều này dẫn đến NLĐ không được đóng BHXH, không được hưởng BHYT, mà chỉ đóng bảo hiểm cho cán bộ hành chính trong HTX chứ thành viên HTX và NLĐ thì không”, ông Liêm cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh chỉ ra một số tồn tại, hạn chế lớn của khu vực HTX, trong đó có trình độ chuyên môn của NLĐ thường xuyên, đó là: NLĐ chưa có hợp đồng lao động nên chưa có sự ràng buộc chặt chẽ, chưa được đóng BHXH; các HTX chưa áp dụng thang bậc lương theo quy định của pháp luật cho NLĐ; trình độ của lao động thường xuyên trong khu vực HTX còn hạn chế; thông tin chính thống còn tiếp cận khó khăn; do sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu của khu vực này còn lớn; do nguồn lực đầu tư của xã hội còn khiêm tốn...
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh (thứ ba từ trái qua) tham dự tọa đàm bàn tròn trong khuôn khổ Hội thảo |
Từng bước tháo gỡ
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê), cho biết tỷ lệ lao động phi chính thức có xu hướng giảm dần, giảm nhanh nhất là nam giới. Thu nhập bình quân của lao động chính thức cao hơn 1,5 lần so với lao động phi chính thức, trong khi đó phần lớn lao động trong khu vực HTX đều được coi là lao động phi chính thức, bởi họ không có cam kết, không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm, không được hưởng các chế độ khác như thai sản, đau ốm, nghỉ lễ, tết...
“Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần có nghiên cứu sâu hơn về lao động việc làm, nhất là đối với khu vực HTX để từng bước chính thức hóa lực lượng lao động trong khu vực HTX”, bà Lan đề xuất.
Theo Ts. Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), số lao động làm việc không đúng ngành nghề đào tạo còn rất lớn, làm việc so với yêu cầu thấp hơn so với bằng cấp và trình độ chuyên môn kỹ thuật là rất lớn, khoảng 83% nhất là ở trình độ trung cấp và cao đẳng.
Nguyễn nhân là do đào tạo chưa bám sát với cơ sở thực tế của thị trường, chưa đào tạo cái xã hội cần, mà vẫn đào tạo cái mình có, nhất là trong khu vực HTX. Đây là vấn đề rất lớn đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Các kỹ năng về giao tiếp, về kỹ năng mềm, tư duy phản biện, tính sáng tạo, tự chủ, kỹ năng nghề cũng cần phải được chú trọng. Qua đánh giá thì kỹ năng thiếu hụt lớn nhất của NLĐ hiện nay là ngoại ngữ và tin học, bởi qua giao tiếp, hợp tác và trao đổi với nước ngoài, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sản xuất, dây chuyền rất cần tin học...
“Chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá một cách thẳng thắn để đề xuất hướng đào tạo kỹ năng, trình độ cho khu vực HTX để vực dậy kinh tế khu vực này, đồng thời nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho lao động thường xuyên của các HTX”, ông Đào Quang Vinh nói.
Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho rằng Liên minh HTX đã tham mưu đề xuất nhiều chính sách như việc làm đối với khu vực HTX; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, của HTX, của NLĐ. Để nâng cao chất lượng, việc làm bền vững, Liên minh đã triển khai 13 đề án, trình Chính phủ và đã được đồng ý thông qua...
“Trước mắt là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ công, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả lao động, giúp có việc làm ổn định hơn, thu nhập tốt hơn, qua đó cải thiện quan hệ lao động cho khu vực HTX và tiến tới sẽ đề xuất các chính sách phù hợp để tạo thuận lợi cho NLĐ thường xuyên”, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.
Phạm Duy