Lâm Hóa là vùng miền núi nghèo của huyện Tuyên Hóa. Xã có đông đồng bào dân tộc Mã Liềng sinh sống, trình độ dân trí còn thấp, thiếu đất sản xuất nên đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn.
Người dân được sử dụng nước sạch
Bên cạnh đó, địa hình đồi núi, khí hậu khắc nghiệt nên tình trạng người dân thiếu nước những năm trước đây không phải là chuyện hiếm gặp. Chỉ ít hộ dân đào và khoan giếng thành công nhưng tỷ lệ nước ngầm ngày càng cạn kiệt nên gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất.
Chính vì vậy, để đưa nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh về cho người dân trong xã, các ban ngành và địa phương đã xây dựng 4 công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn xã.
Đến hết tháng 8/2018, ở xã Lâm Hóa có 271 hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, chiếm tỷ lệ 99,6%. Số hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh năm 2018 là 64/272, đạt tỷ lệ 23,5%. Ý thức của người dân trong việc sử dụng nguồn nước sạch, giữ gìn sức khỏe và đảm bảo vệ sinh môi trường trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày được nâng cao hơn.
Sức khỏe người dân Lâm Hóa được nâng lên nhờ sử dụng nước sạch |
Nhiều hộ dân sống xa các điểm cấp nước tập trung đã cải tạo lại giếng đào, giếng khoan và dẫn thêm nguồn nước tự chảy từ các khe suối đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, các hộ gia đình nhận thức được nguyên nhân của các loại bệnh do môi trường sống không sạch sẽ nên họ đã tiết kiệm để xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhờ đó, môi trường sống của bà con dân tộc nơi đây ngày một cải thiện sạch đẹp hơn.
Để thực hiện được điều đó, UBND xã Lâm Hóa phối hợp với đơn vị văn hóa thông tin tổ chức tuyên truyền qua hội nghị và qua hệ thống truyền thanh các nội dung liên quan. Trong các nội dung tuyên truyền, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường được chú trọng tăng thời lượng.
Giải quyết vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường đã giúp người dân Lâm Hóa từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, nhận thức, hành vi nếp sống mới đối với người dân nông thôn góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Lâm Hóa phấn đấu đến hết năm 2019, tỷ lệ người dân trên địa bàn xã sử dụng nước hợp vệ sinh luôn được duy trì; tỷ lệ hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tăng lên 30%, trong đó các trường học, trạm y tế xã, trụ sở UBND xã đủ nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, quản lý sử dụng tốt. Tỷ lệ chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh là 10%.
Phát triển sinh kế, bảo vệ môi trường
Do điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt, là một địa phương có điều kiện phát triển lâm nghiệp nên những năm gần đây, Lâm Hóa chú trọng nâng cao chất lượng sống, bảo đảm sinh kế; bảo tồn được các giá trị tài nguyên rừng và đất rừng trong hệ sinh thái vùng đầu nguồn bằng cách hỗ trợ người dân phát triển trồng rừng bền vững.
Chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân tiếp cận đất đai, đặc biệt là đất rừng truyền thống. Đặc biệt, UBND huyện Tuyên Hóa đã ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho người dân. Đây là chiến lược nhằm vận động, thể chế hóa quy trình giao rừng gắn liền với giao đất cho cộng đồng dựa vào thiết chế về văn hoá, truyền thống và phong tục tập quán của người dân bản địa phát triển rừng bền vững, nâng cao thu nhập.
Trên cơ sở quyền sử dụng đất rừng, người dân Lâm Hóa đã thực hiện trồng, quản lý, sử dụng rừng bền vững, giám sát các hành vi xâm hại từ bên ngoài vào rừng cộng đồng.
Mặt khác, Lâm Hóa thực hiện các mô hình như mô hình làm vườn ươm cây lâm nghiệp, mô hình trồng rừng kinh tế, mô hình trồng cây lương thực như bắp, khoai môn xen canh với cây keo nhằm bảo vệ rừng bền vững và nâng cao thu nhập cho gia đình.
Ông Trương Quang Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa cho biết: Khi quyền sử dụng đất rừng cộng đồng được Nhà nước công nhận, địa phương đã kết nối với một số dự án để hỗ trợ kinh phí cho người dân tạo vườn ươm giống cây chất lượng cao để trồng rừng, đồng thời hỗ trợ thêm nguồn giống trồng mới được 20 ha keo tai tượng ở bản Kè và bản Cáo (Lâm Hóa). Khi cây chưa khép tán, UBND xã cũng đã hỗ trợ hơn 4.000 cây giống khoai môn trồng xen canh với cây keo nhằm tăng thu nhập cho bà con nơi đây”
Để bảo vệ rừng, chính quyền tuyên truyền cho người dân tích cực phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, xây dựng chuồng trại kiên cố để tránh tình trạng gia súc phá rừng, làm ảnh hưởng đến chất lượng cây rừng.
Cùng với đó là việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, thời gian gần đây vấn đề môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và chăm sóc sức khỏe của người dân Lâm Hóa được chú trọng, từ đó góp phần cải thiện điều kiện cuộc sống và môi trường của người dân trong xã.
Hiện nay, các hộ dân, đặc biệt hộ nghèo đã ý thức được việc phát triển rừng theo hướng bền vững, giữ gìn vệ sinh môi trường ở từng hộ gia đình khi đầu tư xây dựng nhà vệ sinh hợp lý, tham gia sử dụng cấp nước sạch và thu gom rác thải sinh hoạt nhằm bảo đảm vệ sinh chung.
Như Yến