Vào những cuối năm 2020, vườn bưởi đỏ nhà ông Lương Văn Phương ở xã Đông Cao, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội tấp nập đón khách vào mua, đặt bưởi. Nhiều "đại gia" phương xa nghe đồn có cây bưởi lạ, đến tận nơi mục sở thị và trả giá tới 5 cây vàng nhưng ông Phương nhất quyết không bán vì đó là tài sản vô giá mà cha ông để lại, cũng là nét đẹp văn hóa của người Đông Cao.
Cây bưởi "tổ" có tuổi đời 60 năm |
Lý giải việc bưởi đỏ Đông Cao được khách hàng từ Bắc chí Nam đặt mua nhiều, ông Phương chia sẻ: “Từ những năm 1970, bưởi đỏ đã có giá trị ngang một đấu gạo vì lạ mắt, ngon miệng, có thể thờ được 2-3 tháng mà không bị thối, hỏng. Bưởi không chỉ có màu sắc đỏ tươi bắt mắt, vị chua chua, ngọt ngọt đặc trưng mà còn có mùi thơm đặc biệt đến độ chỉ cần sờ vào vỏ, hương bưởi phảng phất theo người cả ngày”.
Kể về nguồn gốc của 3 cây bưởi “tổ” được trồng từ năm 1960, ông Phương cho biết sinh thời cụ Lương Văn Vy (bố ông Phương) là người vun trồng, chăm sóc và gìn giữ vườn cây độc và lạ này cho con cháu. Ban đầu, cũng chỉ nghĩ đây là loại bưởi thông thường, mùa bưởi tháng 8, gia đình trẩy bưởi đem đi bán, vỏ bưởi vàng tươi, ruột đào, vị ngọt mát.
Cuối tháng 8, bưởi chuyển dần từ màu vàng tươi sang hồng nhạt rồi đỏ rực. |
Kỳ lạ thay, những quả nhỏ còn sót lại dần dần chuyển từ màu vàng sang hồng nhạt rồi đỏ rực. Trời càng lạnh thì bưởi càng đỏ và bóng, hương bưởi thoang thoảng từ đầu thôn đến cuối ngõ. Từ đó, gia đình mới phát hiện giống bưởi lạ và bắt đầu chăm sóc cho vụ Tết.
Trong Tết cổ truyền, bưởi là một trong các loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên. Đồng thời, quan niệm của người Việt, màu đỏ mang ý nghĩa may mắn và tài lộc, vì vậy những năm 1970-1990, nhà nào ở xã Đông Cao cũng sum suê vài chục cây, khách thập phương ra vào tấp nập, bưởi đỏ năm nào cũng “cháy hàng”.
Khách hàng mua bưởi đỏ để thờ dịp Tết, mong tài lộc. |
Song, cuối những năm 1990, bưởi Diễn xuất hiện và dần dần “soán ngôi” bưởi đỏ, nhiều gia đình không mặn mà với bưởi đỏ, chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế hơn như hồng xiêm, bưởi Diễn và rau màu.
Đến năm 2015, Sở NN&PTNT TP. Hà Nội biết đến giống bưởi đỏ quý hiếm tại địa phương nên đã có các dự án bảo tồn gen. Bưởi đỏ Đông Cao được công nhận là “cây di sản” được đánh mã số duy trì, nhân giống và tuyển chọn ra những cây đầu dòng.
"Mã số này được coi như “thẻ căn cước” giúp người tiêu dùng “biết mặt, gọi tên” bưởi Đông Cao, đồng thời lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống địa phương", ông Phương bộc bạch.
Từ đó, người dân Đông Cao bắt đầu “hồi sinh” vườn bưởi, đưa bưởi Đông Cao trở lại thời hoàng kim. Người dân tích cực sưu tầm và nhân rộng vườn bưởi, mỗi gốc bưởi “tổ” khai thác được 500 mắt giống, chỉ trong 5 năm, số lượng gốc bưởi trong xã tăng lên 2.500 gốc.
Ngoài ra, bưởi đỏ Đông Cao được trồng thành công ở nhiều địa phương khác như huyện Thanh Oai, Ba Vì, Thường Tín (Hà Nội), tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Đồng Nai, Thái Bình...
Ông Lương Văn Phương, chủ vườn đang chuẩn bị hàng cho khách miền Nam. |
Ông Phương cho biết các cây lâu năm từ 40 - 60 tuổi cho sản lượng khoảng 300-400 quả/năm, cây 10 - 20 tuổi cho 100-120 quả. Mỗi quả nặng trung bình 0.8 - 1.2kg, giá dao động từ 80.000 - 100.000 đồng. Sát Tết, hàng khan hiếm, giá có thể tăng hơn.
Dù hơn một tháng nữa mới đến Tết nhưng khách hàng đã đặt 2/3 số bưởi hiện có. Một số đơn vị muốn mua bưởi đỏ phải đặt trước 2 tháng. Khách đặt cọc 70% số tiền, đến ngày sát Tết sẽ giao hàng. Đặc biệt, khách hàng Sài Gòn rất ưa chuộng bưởi đỏ, có thương lái đặt 2-3 vạn quả, gia đình đang chuẩn bị gom bưởi lên ô tô vào Nam.
Xuân Mai