Lương Năng là một xã thuần nông của huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, với 7 thôn bản, trong đó có đến 3 thôn bản địa hình đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế, trình độ dân trí thấp. Số lượng hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã còn không ít. Vì vậy, gánh nặng khi về già là nỗi lo của cả chính quyền và người dân địa phương.
Tuyên truyền viên nhiệt huyết
Với tư cách là cán bộ xã, những năm qua, chị Nguyễn Thị Hòe luôn đau đáu với công tác an sinh xã hội. Được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) nên chị thấu hiểu tầm quan trọng của chính sách an sinh trong cuộc sống, đặc biệt là khi “trái gió trở trời”. Vì vậy, từ năm 2015, chị đã tham gia công tác tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
“Càng đi nhiều, gặp nhiều, thấy được hoàn cảnh khó khăn của người dân địa phương, tôi lại càng mong muốn mọi người dân đều được tham gia BHXH và khi đến tuổi nghỉ hưu được cầm trên tay sổ lĩnh lương hưu, đồng thời nhận được các chế độ phúc lợi và hưu trí của Nhà nước, không phải lo cuộc sống về già sau này”, chị Hòe chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hòe là một trong những điển hình lan tỏa BHXH tự nguyện ở Văn Quan (Ảnh: BLS). |
Nhưng mong muốn là một chuyện, còn thực tế lại là một chuyện khác. Công tác trên một địa bàn mà người dân, đặc biệt là những người lao động tự do còn gặp rất nhiều khó khăn nên công tác tuyên truyền, lan tỏa chính sách an sinh là một việc không hề dễ dàng.
Để tiếp cận với người dân, chi Nguyễn Thị Hòe đã chủ động thông qua các chương trình của UBND xã, Mật trận Tổ quốc xã, Bưu điện Văn hóa xã, tích cực tổ chức các chương trình tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về chính sách BHXH tự nguyện.
Theo chị Hòe, không thể ngay lập tức đòi hỏi người dân phải đóng tiền để vào lưới an sinh ngay, mà phải tuyên truyền, giải thích dần dần, theo kiểu “mưa dần thấm lâu”. Chỉ khi người dân hiểu, hiểu cặn kẽ, thấy được ưu điểm tuyệt vời của chính sách, họ mới tin tưởng và lựa chọn tham gia.
Lan tỏa chính sách BHXH
Bên cạnh những buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách, chị Nguyễn Thị Hòe cùng các cán bộ BHXH xã, BHXH huyện và tỉnh còn không ngại khó khăn tổ chức những chuyến “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để chia sẻ về chính sách an sinh của Nhà nước.
Đặc điểm của người lao động vùng quê là ban ngày đi làm, chỉ buổi tối mới ở nhà, nên cán bộ BHXH địa phương thường phải tổ chức làm ngoài giờ. Điều này khiến công việc vất vả hơn, song đổi lại, theo chị Hòe, cán bộ BHXH sẽ có nhiều thời gian để tâm tình với người dân. Chính những cuộc nói chuyện gần gũi này giúp chính sách “dễ đi vào lòng người hơn”.
“Đa số người dân đều cho rằng lương hưu là dành cho cán bộ nhà nước, hoặc lao động trong các xí nghiệp, nhà máy lớn. Khi được tư vấn, họ mới vỡ ra là có chính sách BHXH tự nguyện dành cho lao động tự do, tham gia BHXH sẽ có lương hưu khi về già, đồng thời được cấp thẻ BHYT miễn phí, lại được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng”, chị Hòe tâm sự.
Tham gia BHXH tự nguyện giúp người lao động tự do có điểm tựa vững vàng khi về già. |
Cũng theo chị Hòe, bí quyết để thuyết phục được các hộ có lao động tự do tham gia vào lưới an sinh là phải biết lựa chọn những người tiềm năng, sắp xếp thời gian hợp lý đến vận động, tuyên truyền trực tiếp tại gia đình. Nội dung truyền thông phải ngắn gọn để người dân dễ hiểu.
Cán bộ tuyên truyền cần phải hiểu rõ về chính sách BHXH, BHYT, thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến những chính sách, quy định mới. Thông qua công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, từ đó họ chủ động tham gia BHXH, BHYT.
Cùng với đó, người làm công tác BHXH phải trách nhiệm, tận tâm, không quản ngại khó khăn, vất vả, gần gũi để xây dựng niềm tin với bà con nhân dân. Song song với đó, phối hợp các đoàn thể địa phương trong công tác tuyên truyền tại cơ sở. Không chỉ lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp, hội nghị mà còn trực tiếp đến từng hộ vận động, kịp thời giải đáp thắc mắc về chính sách BHXH, BHYT.
“Cánh tay nối dài” của BHXH
Chính sự đồng hành, thấu hiểu, vừa có tâm vừa có tầm đã giúp chị Hòe trở thành một trong những điển hình trong công tác tuyên truyền, lan tỏa BHXH tại địa phương. Kể từ năm 2019 đến nay, chị Hòe thu hút được hàng trăm người tham gia BHXH tự nguyện hoặc BHYT hộ gia đình.
“Lương Năng là xã làm tốt nhất công tác phát triển BHXH tự nguyện. Trong đó, chị Hòe là người nắm rõ địa bàn và gần gũi với người dân ở đây, điều đó giúp bà con tin tưởng và nhiệt tình tham gia BHXH tự nguyện hơn. Tất cả các mảng triển khai ở điểm bưu điện tại Lương Năng đều được thực hiện rất tốt”, lãnh đạo Bưu điện huyện Văn Quan nói.
Từ những thành tích nổi bật của bản thân trong công tác tuyên truyền BHXH tự nguyện trên địa bàn xã, chị Hòe nhiều lần được nhận giấy khen, danh hiệu “Nhân viên bưu điện – văn hóa xã giỏi” của Bưu điện. Đặc biệt, năm 2018, chị Hòe được Bưu điện tỉnh biểu dương với danh hiệu “ Người bưu điện tiêu biểu”.
Những đóng góp của những cán bộ nhiệt huyết như chị Nguyễn Thị Hòe đã và đang giúp ngành BHXH huyện Văn Quan đạt nhiều thành công. Với các hình thức tuyên truyền đa dạng, từ năm 2022 đến tháng 6/2023, cán bộ BHXH huyện đã phối hợp với các xã và Bưu điện huyện tổ chức trên 40 hội nghị, thu hút hơn 1.000 người tham gia; đồng thời tổ chức các cuộc truyền thông nhóm nhỏ, tuyên truyền chính sách cho gần 300 người chưa tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện.
Nhờ chú trọng thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng nên năm 2022, toàn huyện Văn Quan có 3.526 người tham gia BHXH, 2.022 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, 51.810 người tham gia BHYT (đạt 96,3%, vượt gần 600 người so với năm 2021). Trong 6 tháng năm 2023, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn huyện Văn Quan là trên 57.000 người, trong đó tham gia BHXH bắt buộc là gần 2.700 người, đạt 97,3%; tham gia BHYT là gần 51.700 người, đạt 98,1%, còn lại là các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp.
Lệ Chi