Sự kiện khiến anh Đại thay đổi suy nghĩ bắt đầu vào tháng 5/2022, khi anh được cán bộ BHXH địa phương đến tận nhà tuyên truyền. Với những chia sẻ thấu tình, đạt lý, anh dần hiểu rõ về mức đóng, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, từ đó quyết định vào lưới an sinh.
Khó cũng phải nỗ lực
Anh Hoàng Văn Đại chia sẻ trước khi được cán bộ BHXH tư vấn, anh có nghe về chính sách BHXH tự nguyện nhưng không thực sự quan tâm bởi nghĩ nó chỉ dành cho những người giàu.
Đến khi được cán bộ BHXH đến tận nhà tư vấn, anh hiểu tham gia BHXH tự nguyện không hề là điều gì đó quá xa vời, chỉ cần cố gắng chắt chiu, mỗi tháng dành ra chưa đầy 300 nghìn đồng là có thể vào lưới an sinh, được hưởng nhiều quyền lợi cả trước mắt và lâu dài.
Nhiều lao động tự do đang chủ động tìm vào lưới an sinh xã hội để yên tâm khi về hưu. |
“Điều tôi mong muốn nhất là khi về già sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng và trong suốt thời gian nghỉ hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh. Vì vậy tôi đã tham gia BHXH tự nguyện để không còn gánh nặng tiền bạc khi hết tuổi lao động”, anh Đại bộc bạch.
Cũng giống như anh Đại, chị Hoàng Thị Thúy, ở xã Thanh Long, huyện Văn Lãng từng nghĩ việc có lương hưu khi về già chỉ là chuyện trong mơ với những người lao động tự do. Nhưng rồi, khi biết đến chính sách BHXH tự nguyện, chị như vỡ òa.
Chị Thúy kể chị từng làm việc cho công ty SamSung ở Bắc Giang hơn 5 năm, đến đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phải nghỉ việc do công ty cắt giảm nhân công. Trong thời gian tìm kiếm công việc mới, chị hỗ trợ gia đình buôn bán rau củ ở chợ trung tâm của xã.
Công việc buôn bán tự do tuy không cho thu nhập quá cao nhưng ổn định. Vì vậy, sau khi khi được cán bộ BHXH địa phương tư vấn, chị Thúy đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng gần 900.000 đồng/tháng. Chị lựa chọn hình thức đóng 3 tháng/lần.
Vì tuổi già an nhàn
Chị Thúy kể, vào thời điểm nghỉ ở công ty SamSung, chị cũng từng có ý định rút BHXH một lần khi thấy không ít đồng nghiệp cùng làm rút một lần. Nhưng khi đến cơ quan BHXH để làm thủ tục, chị được tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện, thấy được lợi ích của việc tham gia vào lưới an sinh, chị đã tình nguyện tham gia và từ đó tới bây giờ chưa từng hối hận về quyết định của mình.
“Tôi tham gia trước hết vì nhà không có nhiều ruộng đất, chỉ làm nghề tự do, con cái thì sau này sẽ có gia đình riêng. Nghĩ đến tuổi già thì tích lũy ngay từ khi còn khỏe để có lương hưu là điều cần thiết. Coi như có một khoản để dành phòng thân”, chị Hoàng Thị Thúy tâm sự.
Chính sách BHXH tự nguyện đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ tới các địa phương. |
Trường hợp của anh Đại, chị Thuý là hai trong rất nhiều người dân, người lao động tự do trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH tự nguyện, từ đó thay đổi suy nghĩ và tham gia vào lưới an sinh của Nhà nước, có được “tấm khiên bảo vệ” khi về già.
Theo cơ quan BHXH tỉnh Lạng Sơn, để có được hiệu ứng tích cực trong thời gian qua, các cán bộ, đại lý thu, tuyên truyền viên các cấp của ngành bảo hiểm đã không ngừng nỗ lực vào cuộc tuyên truyền, vận động theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “mưa dầm thấm lâu”, ăn cùng ngủ cùng người dân, đồng hành cùng người lao động tự do.
Suốt những năm qua, công tác truyền thông được BHXH các cấp của tỉnh Lạng Sơn đổi mới theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt phù hợp với tình hình, diễn biến dịch COVID – 19, rồi thời hậu đại dịch trên địa bàn tỉnh. Nổi bật như: tổ chức 273 hội nghị tuyên truyền trực tiếp chính sách BHXH, BHYT, thu hút 11.680 người tham dự, sau hội nghị có 1.780 người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Linh hoạt để thích ứng
Hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, BHXH cho mọi người lao động, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT luôn được tỉnh Lạng Sơn quan tâm chú trọng. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã có 66.704 người tham gia BHXH, bằng 20,18% lực lượng lao động trong độ tuổi (330.498 người), giảm 1.035 người (1,5%) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, BHXH bắt buộc có 53.751 người (tăng 534 người (1%) so với cùng kỳ năm 2022); BHXH tự nguyện có 12.953 người (giảm 1.569 người (10,8%) so với cùng kỳ năm 2022); Số người tham gia BHYT là 692.128 người, đạt 93,07% Kế hoạch của UBND tỉnh (743.684 người), giảm 862 người (0,1%) so với cùng kỳ năm 2022 (chiếm 86,3% dân số).
Theo đánh giá của BHXH tỉnh, các đơn vị BHXH huyện đã có nhiều cố gắng trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng như chỉ đạo kịp thời công tác phát triển người tham gia. Đặc biệt, một số huyện đã có những cách làm, mô hình hiệu quả trong việc rà soát, tuyên truyền và khai thác người tham gia BHXH, BHYT như: huyện Cao Lộc, Bình Gia, Văn Lãng, Lộc Bình; xã Yên Khoái (Lộc Bình); xã Tân Thành, Gia Cát (huyện Cao Lộc); xã Thanh Long (huyện Văn Lãng); xã Thiện Hòa, Hồng Phong, Thiện Thuận (huyện Bình Gia).
Để tiếp tục phát huy những thành công đang có, ngành BHXH tỉnh Lạng Sơn dự kiến sẽ tập trung phát triển BHXH tự nguyện, tổ chức lễ ra quân đồng loạt trên địa bàn tỉnh để vận động triển khai BHXH toàn dân; phối hợp với các đại lý thu thành lập các nhóm tuyên truyền, tư vấn với thông điệp ngắn gọn, súc tích về quyền, lợi ích khi người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Đồng thời, BHXH tỉnh sẽ ban hành văn bản phát động thi đua tháng cao điểm phát triển người tham gia BHXH, BHYT, trong đó tập trung xác định đối tượng cần khai thác; mở rộng mạng lưới đại lý; phối hợp với các hội đoàn thể, địa phương tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến các tầng lớp Nhân dân.
“Chính sách BHXH tự nguyện có nhiều lợi ích, có thể ngày hôm nay khi mới tham gia chúng ta chưa nhìn thấy lợi ích đó nhưng hãy xem BHXH tự nguyện như “của để dành” cho tương lai, bởi khi tham gia đủ tuổi, đủ thời gian thì người dân, người lao động tự do sẽ được hưởng lương hưu, giảm nỗi lo cho gia đình, bản thân khi về già”, đại diện BHXH tỉnh Lạng Sơn nói.
Lệ Chi