Hiện cả nước đang có hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng. Để tiếp tục nâng cao đời sống cho người nghỉ hưu, ngày 29/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, thực hiện tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng từ 12,5% - 20,8% cho người hưởng. Người nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà vẫn hưởng dưới 3 triệu đồng/tháng thì sẽ được tăng thêm, cụ thể: người hưởng dưới 2,7 triệu đồng/tháng được tăng thêm 300.000 đồng/tháng; người hưởng từ 2,7 đến dưới 3 triệu đồng/tháng được tăng lên 3 triệu đồng/tháng. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 14/8/2023; các quy định của Nghị định được thực hiện từ 1/7/2023.
Hơn 67.300 người nhận lương hưu dưới 2 triệu đồng
Từ ngày 1/7, lương hưu của ông Trần Minh Châu, 65 tuổi (ở quận Tân Phú, TP.HCM) tăng 262.500 đồng do Nhà nước điều chỉnh lương hưu 12,5%. Ông Châu vốn là công nhân chế biến thủy sản đông lạnh, hết tuổi lao động năm 2013. Với 20 năm tham gia BHXH, tỷ lệ hưởng 55%, mức lương làm căn cứ đóng hơn 2,3 triệu đồng, số tiền ông Châu được nhận mỗi tháng gần 1,3 triệu đồng.
Nhiều trường hợp người lao động do có mức đóng BHXH thấp, thời gian đóng ngắn... dẫn tới phải nhận lương hưu thấp khi về già. |
Sau nhiều lần Nhà nước điều chỉnh, lương hưu của ông tăng lên 2,1 triệu đồng. Từ ngày 1/7, con số này là khoảng 2,3 triệu đồng. Ông Châu cho hay: "Nếu chia số tiền được tăng theo ngày, tôi có thêm 8.600 đồng để trang trải sinh hoạt. Với mức sống ở thành phố lớn nhất nước, số tiền này vừa đủ bù tiền mua rau, không dám nhắc đến cá, thịt”.
Ông Châu nằm trong số hơn 19.000 người ở TP.HCM nhận lương hưu dưới 3 triệu đồng, theo số liệu của BHXH TP.HCM.
Hiện, toàn quốc có hơn 67.300 người nhận lương hưu dưới 2 triệu đồng, thấp hơn chuẩn nghèo thành thị. Khi Nhà nước điều chỉnh, số tiền họ nhận được tăng thêm 200.000-375.000 đồng mỗi tháng.
Theo quy định hiện nay, nếu người lao động (NLĐ) tham gia BHXH đủ 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ, khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng 75% lương mỗi tháng. Tỷ lệ hưởng này khá cao, song nhiều trường hợp NLĐ do có mức đóng BHXH thấp, thời gian đóng ngắn, nghỉ hưu trước tuổi nhiều…, nên sẽ có mức hưởng lương hưu thấp khi về hưu.
Hiện nay, bên cạnh những trường hợp có lương hưu cao cũng có nhiều người hưởng mức lương hưu thấp. Các trường hợp này chủ yếu là: những người nghỉ hưu từ quỹ BHXH nông dân Nghệ An chuyển sang BHXH tự nguyện theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg ngày 16/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ; cán bộ xã không chuyên trách; người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn mức đóng BHXH ở mức thấp nhất…
Đơn cử như cán bộ xã không chuyên trách thuộc nhóm đối tượng có lương hưu thấp. Nhóm này có mức đóng BHXH chỉ bằng mức lương cơ sở, thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu ngắn (từ đủ 15 năm đến 20 năm). Đồng thời, theo quy định khi nghỉ hưu, nếu trường hợp không có đủ 20 năm trở lên đóng BHXH bắt buộc (không bao gồm thời gian đóng BHXH theo diện người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn), có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì lương hưu không được bù đủ bằng mức lương cơ sở. Năm 2021, mức lương hưu bình quân của nhóm cán bộ xã không chuyên trách là khoảng 1,3 triệu đồng/tháng.
Lương hưu thấp do mức đóng thấp, thời gian đóng BHXH ngắn…
Đối với người tham gia BHXH tự nguyện, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH (do người tham gia lựa chọn) thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Trong thực tế, phần lớn người dân lựa chọn mức thu nhập tương ứng mức chuẩn hộ nghèo khu vực (trước năm 2022, mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 700 nghìn đồng, từ năm 2022 là 1,5 triệu đồng) để đóng BHXH tự nguyện. Thực tế, đại đa số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ đóng BHXH đến khi đủ 20 năm để đủ điều kiện về thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu. Do mức đóng BHXH thấp, thời gian đóng BHXH ngắn nên mức hưởng bình quân của nhóm này thấp.
Bên cạnh đó, nhiều NLĐ đóng BHXH bắt buộc do còn thiếu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu đã lựa chọn mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng hoặc một lần cho thời gian còn thiếu ở mức thấp, vì vậy mức hưởng lương hưu của họ cũng sẽ thấp theo.
Đối với người tham gia BHXH bắt buộc, nhiều doanh nghiệp “lách luật” thực hiện đóng BHXH cho NLĐ không đúng với mức tiền lương, thu nhập thực tế của NLĐ. Tại một số đơn vị, thu nhập để làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ luôn ở mức thấp nhất, dẫn đến mức hưởng bình quân của NLĐ sẽ thấp khi nghỉ hưu.
Một ví dụ về trường hợp NLĐ đóng BHXH mức thấp nên có mức hưởng lương hưu thấp là bà Nguyễn Thị N. (sinh năm 1962) có thời gian tham gia BHXH là 20 năm 3 tháng, tỷ lệ hưởng lương hưu là 61%. Tuy nhiên, bà N. có đến 2/3 thời gian quá trình tham gia BHXH với mức tiền lương thấp (có nhiều năm, mức tiền lương đóng BHXH của bà N. chỉ từ 300.000 - 400.000 đồng/tháng...) nên khi nghỉ hưu (vào tháng 5/2017), bà N. có mức lương là 1.074.586 đồng. Trải qua lần điều chỉnh lương hưu theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ, đến tháng 6/2023, số tiền hưu mà bà N. được lĩnh tăng lên là 1.600.300 đồng.
Qua thực trạng trên cho thấy, mặc dù tỷ lệ % hưởng lương hưu khá cao (tối đa 75%) nhưng do mức đóng thấp; thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu ngắn, tình trạng NLĐ (đặc biệt là NLĐ làm việc ngoài khu vực Nhà nước) nghỉ hưu trước tuổi nhiều, đóng không đúng mức tiền lương, thu nhập thực tế tại một số đơn vị sử dụng lao động… dẫn đến mức hưởng bình quân hiện nay của nhiều NLĐ còn thấp.
Để lương hưu đủ trang trải cuộc sống của người lao động
Ông Cao Văn Sang, nguyên Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, Việt Nam thực hiện chính sách BHXH toàn dân khá sớm. Hơn 30 năm trước, đất nước còn nghèo, nền kinh tế chưa phát triển, thu nhập lao động thấp, mức lương tối thiểu làm căn cứ đóng chỉ 120.000 đồng. Sau nhiều năm điều chỉnh, mức hưởng tối thiểu đã lên 1,8 triệu đồng, tăng 1.500%.
"Dù tỷ lệ tăng cao nhưng số tiền nhận được không đáng kể", ông Sang nói. Trên thực tế, những lao động đóng ít, hưởng thấp một phần do hệ quả việc phát triển BHXH toàn dân sớm nhưng tổ chức, nền kinh tế không theo kịp. Giờ đây khi lương hưu của họ quá thấp, Nhà nước cần có sự bù đắp để đảm bảo được mức sống tối thiểu.
Hiện nay, Luật BHXH quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ (bao gồm cả lương và các phụ cấp). Đối với một số khoản phúc lợi (hỗ trợ) NLĐ của đơn vị sử dụng lao động có tính chất thường xuyên, ổn định, như: hỗ trợ tiền xăng xe, điện thoại, ăn trưa, tiền nhà…, pháp luật hiện hành quy định không dùng làm căn cứ tính đóng BHXH.
Lợi dụng quy định, một số doanh nghiệp “lách luật” chia nhỏ các khoản phụ cấp thành các khoản hỗ trợ này để trốn đóng, đóng không đủ BHXH. Vì vậy, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ, BHXH Việt Nam đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu phương án khi sửa đổi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo hướng: NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm: mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Ngoài ra, cần nghiên cứu để hài hòa 3 loại thu nhập của NLĐ và có căn cứ pháp lý xác định rõ thu nhập của NLĐ làm căn cứ đóng BHXH, tránh tình trạng chênh lệch quá lớn giữa thu nhập của NLĐ để quyết toán thuế và thu nhập thực tế chi trả cho NLĐ, tạo điều kiện đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho NLĐ khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, nội dung này cần có ý kiến của các ngành liên quan như Tài chính, Lao động, Tư pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
Trước thực trạng một số đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH không đúng mức thu nhập thực tế của NLĐ theo mức tiền lương được hưởng, để đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho bản thân, khi ký hợp đồng lao động, NLĐ cần chú ý đến thỏa thuận về tiền lương được hưởng, tiền lương đóng BHXH trong hợp đồng và có kiến nghị với đơn vị nếu mức tiền lương đóng BHXH của mình thấp so với tiền lương được hưởng hoặc thấp hơn so với quy định về mức lương tối thiểu vùng.
Đồng thời, NLĐ cần thường xuyên theo dõi, tra cứu quá trình đóng, hưởng BHXH của mình qua các kênh (như Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam, ứng dụng VssID- BHXH số…) để kịp thời nắm bắt thông tin đóng BHXH của đơn vị sử dụng lao động; phản ánh kịp thời tới cơ quan chức năng các hành vi đóng BHXH không đầy đủ của chủ sử dụng lao động cho NLĐ (nếu có).
Minh Trang