Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến tháng 10/2021, số người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm và tăng gần 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là thực tế đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, kinh tế - xã hội cũng như chính sách an sinh.
2 người tham gia thì một người rời đi
Thống kê từ năm 2016 đến 2020 có trên 3,7 triệu người chọn hưởng chính sách BHXH một lần; mỗi năm trung bình gần 750.000 người rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia. Cứ hai người mới tham gia vào hệ thống BHXH thì một người rời đi và xu thế này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tính đến tháng 10/2021, số người rút bảo hiểm xã hội một lần gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm. |
97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH. Người rút chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ ngoài khu vực nhà nước, từ 26 đến 29 tuổi. Tỷ lệ này ở nữ giới là 55,6%, nam giới là 44,4%.
Trong phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11, Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam tổng kết Nghị quyết 93/2015 của Quốc hội về thực hiện chính sách BHXH một lần, khắc phục hạn chế do quy định hiện hành, tháo gỡ những khó khăn chưa phù hợp với thực tiễn, đề xuất giải pháp chính sách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Vừa đáp ứng yêu cầu của người lao động khi gặp khó khăn phải rút BHXH một lần, vừa bảo đảm an sinh xã hội bền vững khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu.
Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa dự án Luật này vào chương trình năm 2023.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp), đánh giá việc cứ hai người mới tham gia vào hệ thống BHXH thì một người rời đi là một thực tế đáng quan ngại bởi sẽ phá vỡ hệ thống BHXH. Người lao động rời bỏ hệ thống BHXH là tự tước quyền được tham gia thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất sẽ dẫn đến rủi ro đối với chính người lao động trong tương lai. Đồng thời tạo ra những thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng BHXH, cũng như đảm bảo an sinh xã hội của đát nước”.
Cấp thiết sửa Luật BHXH
Trong khi đó, phân tích nguyên nhân vì sao người lao động nhận BHXH một lần, ông Nguyễn Đăng Tiến, nguyên Phó Giám đốc BHXH TP. HCM đánh giá so với cả nước, các tỉnh phía Nam như Bình Dương, TP. HCM, Đồng Nai... có số người nhận trợ cấp một lần tương đối lớn. Bởi khu vực tập trung nhiều nhà máy với gần 5 triệu công nhân lao động, chủ yếu là nhập cư. Sau 10-15 năm làm việc, họ có xu hướng trở về quê và chọn rút BHXH một lần để lấy vốn làm ăn, sửa nhà, con cái vào đại học...
Theo quy định, tổng mức đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất là 22% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong đó, lao động đóng 8% và chủ doanh nghiệp đóng 14%. Tổng mức đóng vào Quỹ hàng năm bằng 2,64 tháng lương, nhưng khi nhận trợ cấp một lần, với mỗi năm tham gia, người lao động chỉ nhận được 1,5 tháng lương.
Theo ông Tiến, sở dĩ dù biết nhận một lần sẽ thiệt hơn nhưng người lao động vẫn quyết định rút vì trong hệ thống BHXH có chính sách trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, song không thực sự phát huy hiệu quả, đặc biệt với nhóm thu nhập thấp. Mức hỗ trợ thấp, quy định hưởng khó khăn, chính sách học nghề không hấp dẫn, quỹ kết dư quá lớn trong khi người thất nghiệp không được thụ hưởng. Khi không có khoản trợ cấp thất nghiệp cứu cánh, người lao động sẽ nghĩ ngay đến BHXH một lần.
Hơn nữa, ông Tiến cho rằng khoản tiền lương đóng BHXH bắt buộc đang khá thấp, kéo theo mức lương hưu thấp khiến lao động chưa mặn mà. Năm 2020, mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc chỉ khoảng 5,6 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, lao động khu vực nhà nước khoảng 6,5 triệu đồng và lao động khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh đóng thấp nhất, chỉ khoảng 5 triệu đồng. Mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tăng không đáng kể, chủ yếu do điều chỉnh lương tối thiểu vùng hàng năm.
Theo quy định từ năm 2018, tiền lương tháng đóng BHXH gồm mức lương và các khoản bổ sung khác, song khi thực hiện lại không quyết liệt. Lao động nhận lương thực tế 10-20 triệu đồng mỗi tháng, nhưng chỉ đóng trên mức lương tối thiểu vùng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chỉ ra rằng, trên thực tế phần lớn doanh nghiệp đăng ký đóng BHXH cho người lao động chỉ trên mức lương tối thiểu vùng và không có "khoản bổ sung khác". Qua kiểm tra, nhiều doanh nghiệp chỉ xây dựng thang, bảng lương để đóng BHXH ở mức thấp nhất, bằng lương tối thiểu vùng cộng 7% với lao động đã qua đào tạo nghề, 5-7% với lao động làm công việc nặng nhọc, độc lại.
Được biết trong tờ trình đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì đang lấy ý kiến, ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, qua tổng kết 6 năm thi hành Luật BHXH hiện hành, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động, tổ chức Công đoàn đã phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập khi áp dụng các điều luật của Luật BHXH 2014.
Trong đó, điều kiện để hưởng chế độ hưu trí quá dài cùng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã khiến nhiều người lao động phải quan tâm đến những nhu cầu trước mắt và nản lòng trong quá trình theo đuổi đóng góp cho hệ thống BHXH để được hưởng hưu trí trong tương lai khi về già, nhiều người đã lựa chọn hưởng BHXH một lần. Điều này đặt ra yêu cầu với việc sửa đổi Luật BHXH trong thời gian tới.
Nhật Linh