Trong những ngày qua, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã tới Hà Nội để được trực tiếp làm việc với các bộ, ngành Trung ương tại Hà Nội về việc đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê, bởi nếu dự án khai thác khởi động trở lại sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với an sinh xã hội, môi trường sống đối với hàng vạn người sống trong và ngoài vùng dự án bị ảnh hưởng.
Đề nghị khẩn thiết từ Hà Tĩnh
Tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công Thương, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cho biết: Năm 2017, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo quyết liệt của tỉnh, cùng với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế xã hội Hà Tĩnh có những bước phát triển khá. Ước tính tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 10,71%, thu ngân sách 8.850 tỷ đồng; dự kiến cuối năm 2017 có thêm 33 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số đạt chuẩn lên 118 xã.
Nói về ổn định tình hình sau sự cố môi trường biển, ông Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Sau sự cố môi trường, Hà Tĩnh đã tập trung cao chỉ đạo công tác bồi thường, bảo đảm khách quan, minh bạch, dân chủ, đúng quy định pháp luật. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường cho 58.197 đối tượng bị ảnh hưởng; tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại được phê duyệt 1.599,27 tỷ đồng, đã chi trả hơn 1.553 tỷ đồng (trên 97,1%). UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng thành lập hai tổ công tác để tăng cường giám sát hoạt động xả thải tại Dự án Formosa.
![]() |
Bí thư tỉnh ủy Lê Đình Sơn kiểm tra lại bản đồ quy hoạch bị ảnh hưởng đệ trình Chính phủ xin dừng dự án
Nói về hệ lụy của việc tái khởi động lại dự án mỏ sắt Thạch Khê, Chủ tịch Đặng Quốc Khánh cho rằng: “Từ nghiên cứu, thực tiễn, qua các cuộc làm việc, hội thảo khoa học, ý kiến phản biện của liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh nhận thấy việc triển khai dự án có rất nhiều khó khăn, hệ lụy lâu dài ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh cũng như hiệu quả KTXH, tác động lớn đến đời sống KTXH dân sinh vùng bị ảnh hưởng.
Nhiều vấn đề về bảo vệ môi trường chưa được tính toán và nghiên cứu trong dự án như: Đổ thải ra biển, sa mạc hóa cả khu vực, phương án hoàn thể mỏ đặc biệt là ĐTM được phê duyệt 2013 chưa xem xét, đánh giá môi trường đến hạng mục tuyển quặng. Mặt khác dự án chưa tính toán kỹ về xây dựng cảng biển, phương án tiêu thụ quặng (trong nước), vận chuyển quặng, ứng phó biến đổi khí hậu…
Từ phân tích, đánh giá nghiêm túc và cân nhắc nhiều mặt cả về lợi ích trước mắt và lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh thay mặt UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng, kết thúc dự án, chỉ đạo giải quyết tồn đọng, hoàn trả lại nguyên trạng, để nhân dân khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống.
“Kết luận của Ban Thường vụ Hà Tĩnh hoàn toàn không duy ý chí mà từ thực tiễn đặt ra, là trách nhiệm với dân, với Đảng. Nhiều vấn đề đề xuất của Hà Tĩnh đối với dự án chưa được giải quyết thấu đáo, có thể gây hậu quả, hệ lụy khó lường khi thực hiện”, Bí thư tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định.
Vì thế, theo Bí thư tỉnh ủy Lê Đình Sơn, cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện trên mọi phương diện để đảm bảo phát triển bền vững, lấy lợi ích kinh tế – xã hội của cả cộng đồng (xã hội, địa phương, dân cư…) làm mục tiêu chung.
“Đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho dừng, kết thúc dự án”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh quan điểm của tỉnh Hà Tĩnh.
![]() |
Hình ảnh tâm điểm khai thác mỏ 10 năm trước
Giữ môi trường bằng mọi giá
Tại các buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương đã ghi nhận tình hình, cùng băn khoăn trước những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Hà Tĩnh liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, lĩnh vực quản lý đất đai.
Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà đều đánh giá cao tăng trưởng của Hà Tĩnh, đặc biệt trên lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Đối với dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, lãnh đạo cả hai bộ đều chia sẻ những trăn trở của lãnh đạo chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
![]() |
Hệ lụy hiện tại đối với cuộc sống cư dân trong vùng dự án
Quan điểm của Chính phủ cũng như của Bộ Công Thương là không vì phát triển kinh tế mà hủy hoại môi trường. Bằng trách nhiệm cao nhất, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị đầu mối của Bộ tập hợp các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Hà Tĩnh; đánh giá, rà soát lại toàn bộ dự án, đặc biệt là vấn đề môi trường, hiệu quả kinh tế, xã hội để có quyết định cuối cùng trước khi đề xuất Thủ tướng.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định những đề xuất, kiến nghị của Hà Tĩnh liên quan đến lĩnh vực môi trường cũng là vấn đề mà Chính phủ, Bộ đang hết sức quan tâm. Quan điểm của Chính phủ cũng như các Bộ, ngành là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.
Về vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ băn khoăn và hoàn toàn đồng tình với các ý kiến của tỉnh về vấn đề môi trường, thủy văn, địa chất của dự án.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê chỉ thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn môi trường, hiệu quả kinh tế xã hội.
Anh Bình-Thanh Hoài