Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2017 được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố hôm nay, ADB đánh giá, tăng trưởng vẫn ổn định nhưng còn dưới mức cần thiết để đạt được vị thế nước có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Nếu Việt Nam muốn đạt vị thế nước có mức thu nhập trung bình cao một cách nhanh chóng thì cần cải cách sâu rộng hơn nữa
Thậm chí các chuyên gia, cho rằng nguy cơ tụt hậu đang hiện hữu. Mặc dù lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp bùng nổ, tăng trưởng GDP vẫn ở dưới mức 7%.
Đáng chú ý, về mục tiêu là nước có thu nhập trung bình. Với mức tăng trưởng hiện tại, Việt Nam chỉ đạt được mục tiêu là nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2031. Tăng trưởng thêm 2% sẽ rút ngắn khoảng thời gian này vào năm 2026.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, tăng trưởng ổn định, nhưng nếu Việt Nam muốn đạt vị thế nước có mức thu nhập trung bình cao một cách nhanh chóng thì cần cải cách sâu rộng hơn nữa. Đồng thời cần nhấn mạnh vào sự cần thiết phải cải cách các lĩnh vực tụt hậu của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài ra, theo dự báo của ADB, kinh tế Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng 6,5% vào năm 2017 và 6,7% năm 2018. Động lực chính của nền kinh tế vẫn là các doanh nghiệp vốn FDI, xuất khẩu và đặc biệt là dịch vụ và bán lẻ.
Báo cáo của ADB cho thấy sản xuất Việt Nam vẫn giữ ở mức ổn định trong năm qua, với mức tăng trưởng khoảng 11,9%. Khu vực dịch vụ cũng có những bước tăng trưởng mạnh. Dịch vụ tài chính tăng 7,8%, số khách du lịch đến Việt Nam tăng 26% (2016).
Về chỉ số giá tiêu dùng, ADB đưa ra dự báo mức tăng 4% cho năm 2017. Theo đánh giá, lạm phát tăng là do Chính phủ tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục và giao thông. Ngoài ra, trong thời gian tới, việc giá cả các loại hàng hóa trên thế giới như dầu mỏ, kim loại và lương thực tăng sẽ gây ra thách thức rất lớn tới việc kiềm chế lạm phát ở Việt Nam.
Về việc thu hút vốn FDI, ADB đánh giá đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng cao. Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Đánh chú ý, mức vốn giải ngân quý I đã tăng kỷ lục đạt 3,6 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Một tín hiệu vui đối với nền kinh tế được ADB đánh giá là chúng ta đã trở thành trung tâm sản xuất chế tạo của khu vực. Hoạt động sản xuất chế tạo tại Việt Nam đã vượt trội so với một số nước ASEAN.
Trong khi hầu hết nước ASEAN xuất khẩu giảm trong năm 2016 thì Việt Nam có mức tăng trưởng 8,3%. Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam trong các nước ASEAN tăng từ 7% năm 2009 lên 14% năm 2015. Đặc biệt tỷ trọng các mặt hàng công nghệ cao tăng vọt từ 2% lên đến 12% trong tổng số các mặt hàng xuất khẩu của ASEAN.
Ngoài ra, ADB đánh giá nhóm người có thu nhập trung bình tại Việt Nam sẽ gia tăng nhanh chóng, và đạt 33 triệu người vào năm 2030. Nhóm này có mức thu nhập trung bình khoảng 8.500 USD/năm, sẽ là động lực kích thích tiêu dùng trong nước, gia tăng hoạt động kinh doanh bán buôn và bán lẻ.
Nhật Linh