Đến nay, huyện đã có không ít mô hình sản xuất, phát triển kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Chủ động giảm nghèo
Với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, Tương Dương đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa và từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình mới đã và đang được nhân rộng. Kinh tế nông thôn nhờ đó cũng dần chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
![]() |
Nuôi gà an toàn sinh học giúp nhiều hộ dân ở Tương Dương giảm nghèo thành công |
Tiêu biểu là mô hình nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học tại xã Xá Lượng. Đầu năm 2016, được Trạm khuyến nông huyện lựa chọn xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, ông Cường mạnh dạn nhận 100 con gà giống Lương Phương lại để nuôi thử nghiệm. Đồng thời, chọn nuôi thêm 200 con giống gà bản địa. Nhờ được cán bộ kỹ thuật tận tình hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi nên gà mau lớn, ít bệnh.
Với giá bán 90.000- 120.000đồng/kg đối với gà Lương Phượng, 140.000 đồng/kg với gà bản địa, từ đàn gà 300 con này, ông Cường có thu nhập khoảng 300-400 trăm triệu đồng. Ông Cường chia sẻ: “Thông qua lớp tập huấn, mô hình nuôi gà sinh học giúp đảm bảo chất lượng, gà nuôi không có dịch bệnh nên hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi bền vững, bảo đảm nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người dân”.
Việc phát triển chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học có quy mô gia trại với số lượng từ vài trăm con trở lên, có kiểm soát dịch bệnh, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng đã thu hút không hộ trên địa bàn xã phát triển. Mô hình này đã góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn.
Mô hình trồng thanh long của ông Tống Văn Chiến, xã Tam Quang là một ví dụ về phát triển kinh tế hiệu quả.Sau những lần thất bại,ông Chiến nhận ra rằng, yếu về kỹ thuật là một khó khăn để phát triển sản xuất. Ông nhận thấy thanh long thường bị ốc sên, rầy và sâu keo leo lên phá hoại và ảnh hưởng đến việc ra quả. Ban đầu cũng rất lúng túng nhưng sau khi được cán bộ khuyến nông khuyến cáo, thay vì dùng các loại thuốc xử lý, ông Chiến làm thử và chọn cách nuôi ngan ngay dưới gốc thanh long. Cách này vừa xử lý hiệu quả nạn ốc sên, sâu rầy leo lên thân thanh long phá hoại đồng thời lại phát triển được chăn nuôi. Bên cạnh đó, để có phân bón hữu cơ để cải tạo và mở rộng diện tích thanh long, ông Chiến cũng tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn, bò và gia cầm khác.
Hiện tại, gia đình ông có thể thu về hàng trăm triệu đồng từ sản xuất thanh long kết hợp chăn nuôi. Để nâng cao kinh tế, ông nhận thêm đất khoán đất bãi để trồng cỏ để phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Nâng cao hiệu quả
Có thể thấy, không ít người dân ở đây đã mạnh dạn phát triển kinh tế, đầu tư cho sản xuất đẻ nâng cao thu nhập, từng bước cùng địa phương thực hiện giảm nghèo.
Để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, huyện đã có cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp. Xác định những cây trồng, vật nuôi bản địa phù hợp có giá trị kinh tế cao như: ngô, bí xanh, khoai sọ, xoài, gà đen, lợn đen, lợn rừng, con nhím... để xây dựng các mô hình kinh tế, ứng dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất và chăn nuôi để tăng năng suất, sản lượng. Sau khi mô hình thành công đều được các địa phương nhân rộng để tăng tính hiệu quả trong phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Bên cạnh đó, để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, cùng với chính sách của tỉnh, huyện sẽ tham gia các hội chợ quảng cáo sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm của địa phương sản xuất đều đáp ứng được thị trường và khẳng định được thương hiệu của mình.
Cùng với đó, các làng nghề dần được phục hồi như: Mây tre đan, dệt thổ cẩm…tạo thêm việc làm tại chỗ cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững ở nông thôn; đảm bảo an sinh xã hội. Chính vì thế, đời sống của người dân dần ổn định, thu nhập không ngừng được nâng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 71,3% (năm 2010) xuống còn 49,84% hiện nay.
Như Yến