Khi còn trẻ bà Huệ trải qua nhiều công việc, trong đó có 7 năm đóng BHXH khi là giáo viên, sau đó chuyển nghề làm cho doanh nghiệp tư nhân thì tiếp tục đóng BHXH thêm 7 năm nữa. Hết tuổi lao động, bà đóng được 14 năm BHXH bắt buộc, tức còn 6 năm để hưởng lương hưu.
Yên tâm vì có lương hưu
Bà Huỳnh Ngọc Huệ chia sẻ, sau nhiều năm làm việc, đến tháng 9/2021, dù đủ tuổi về hưu nhưng tôi chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu, vì vậy bà có ý định rút BHXH một lần.
Tuy nhiên, khi đến cơ quan BHXH địa phương để làm thủ tục, bà Huệ nhận được sự tư vấn rất nhiệt tình, tâm huyết của cán bộ chuyên trách. Sau khi nghe những phân tích về cái lợi, cái hại khi rút BHXH, đồng thời lại được phổ biến về ưu điểm của chính sách BHXH tự nguyện nên bà quyết định tham gia.
Tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu là lựa chọn tốt cho người lao động tự do. |
“Với 6 năm còn thiếu, nếu tham gia BHXH tự nguyện, tôi phải đóng một lần gần 50 triệu đồng để đủ điều kiện nhận lương hưu. Đời sống không mấy dư dả, cũng có nhiều phân vân, nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết định nói không với rút BHXH một lần, tiếp tục ở lại lưới an sinh vì nghĩ tới lợi ích lâu dài, tuổi già không lo gánh nặng cho con cái”, bà Huệ tâm sự.
Đến nay, sau gần 2 năm nhận lương hưu, dù chỉ khoảng gần 2 triệu đồng/tháng, theo bà Huệ quyết định tham gia BHXH tự nguyện vẫn là quyết định sáng suốt. Bởi số tiền hưu không quá lớn, nhưng sống ở quê, đây là khoản phòng thân đủ để bà chủ động về tài chính.
Chưa kể, việc ở lại lưới an sinh thay vì rút BHXH một lần giúp bà được hưởng chế độ BHYT, hỗ trợ thanh toán khám chữa bệnh lên tới 95%. Theo bà Huệ, đây là điều bà yên tâm nhất bởi tuổi già thì chuyện đau ốm là không thể tránh khỏi, nên có BHYT cũng giống như có tấm khiên bảo vệ mình.
“Giờ mỗi tháng định kỳ nhận lương hưu, được cấp thẻ BHYT, tôi luôn cảm thấy biết ơn với những cán bộ BHXH trước đây đã nhiệt tình tư vấn, khuyên tôi không rút BHXH một lần. Từ trải nghiệm bản thân, tôi mong muốn mọi người nếu có điều kiện thì nên tham gia BHXH tự nguyện”, bà Huệ chia sẻ.
An nhàn khi về già
Cũng giống như bà Huệ, ông Lê Công Cường, trú tại TP Vị Thanh cũng khẳng định quyết định không rút BHXH một lần để tham gia tiếp BHXH tự nguyện là một trong những sự lựa chọn đúng đắn nhất cuộc đời ông. Có lương hưu, ông có thêm một khoản đáng kể để yên tâm sống an nhàn tuổi già.
Trước đây, ông Cường làm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và tham gia BHXH bắt buộc được hơn 17 năm. Đến tuổi nghỉ hưu, nhưng ông còn thiếu 2 năm 7 tháng đóng BHXH theo quy định. Sau khi suy nghĩ kỹ và bàn bạc với gia đình, ông quyết định đóng BHXH tự nguyện một lần cho thời gian còn thiếu.
Sau khi hoàn thành thủ tục đóng tiền, ít ngày sau ông Cường nhận tháng lương hưu đầu tiên. Ông Cường cho hay: “Khoản lương tuy không cao nhưng nó như điểm tựa để ông yên tâm sống và tiếp tục làm việc dù tuổi đã cao, không phụ thuộc vào con cái”.
Ngày càng có nhiều người lao động tự do được hưởng lương hưu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. |
Ngoài ra, việc được cấp thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe trọn đời cũng giúp ông Cường an tâm khi về già. Nhờ khoản lương hưu “giắt lưng”, công việc với ông không còn quá áp lực, làm việc vừa để kiếm thêm đồng ra đồng vào, vừa để cho đỡ buồn chán. Thời gian rảnh ông tham gia các câu lạc bộ sân vườn, đánh cờ, hoạt động cộng đồng, đưa các cháu đi học...
Có thể thấy, chính sách BHXH tự nguyện đang đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân, đặc biệt là những lao động khu vực phi chính thức. Điều đáng nói là trong những năm qua, số lượng người tham gia và nhận lương hưu nhờ đóng BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày càng được nâng lên.
Cụ thể, đến nay toàn tỉnh Hậu Giang có gần 4.000 người lãnh lương hưu, với tổng số tiền chi trả hàng tháng gần 25 tỷ đồng. Trong đó, có gần 200 người lãnh lương hưu từ phương thức đóng BHXH tự nguyện. Điều đó cho thấy chính sách BHXH tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò trụ cột an sinh trong việc đảm bảo quyền an sinh cho mọi tầng lớp nhân dân.
Hướng tới BHXH toàn dân
Cũng theo thống kê của BHXH tỉnh Hậu Giang, đến nay toàn tỉnh có 71.807 người tham gia BHXH, trong đó có 9.225 người tham gia BHXH tự nguyện. Các chính sách chi trả BHXH luôn đảm bảo kịp thời, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người tham gia.
Để có được kết quả trên, thời gian qua, các nhân viên thu được ví là “cánh tay nối dài” của cơ quan BHXH tỉnh Hậu Giang. Với lợi thế bám sát địa bàn, hàng ngày tiếp xúc với người dân, nhân viên thu BHXH, BHYT đã đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chế độ về BHXH, BHYT tại cơ sở, trực tiếp giúp người dân nâng cao nhận thức, thấy rõ lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT.
Ngành BHXH tỉnh cũng đã có nhiều chính sách quan tâm đặc biệt trong đào tạo, bồi dưỡng để hệ thống nhân viên thuộc các tổ chức dịch vụ thu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, cũng như trang bị các phương tiện phục vụ tuyên truyền, như tờ rơi, tờ gấp, bảng, biểu minh họa mức đóng, phương thức đóng… cho các nhân viên thu.
Vào các ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, cán bộ viên chức BHXH các địa phương chủ động bố trí thời gian cùng với các tổ chức dịch vụ thu phối hợp tuyên truyền, vận động tư vấn trực tiếp đến tận các hộ gia đình ở các khu dân cư, góp phần đưa chính sách BHXH, BHYT đi vào cuộc sống.
Hàng năm, BHXH tỉnh tổ chức tập huấn, trang bị, cập nhật kiến thức cho toàn bộ nhân viên thu trên địa bàn. Theo đó, đội ngũ nhân viên thu được trang bị các nội dung về kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; quy trình tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tại cơ sở; chế độ thông tin báo cáo; công tác chăm sóc người tham gia; hướng dẫn công cụ tính đóng BHXH tự nguyện. Trong đó, chú trọng cập nhật các chính sách mới, các kiến thức mới về tuyên truyền, phát triển BHXH tự nguyện và BHYT…
Sáu Ngạn