Với lòng nhiệt tình trong công tác tuyên truyền, lan tỏa chính sách an sinh, bà Phạm Thị Loan cùng người “đầu gối tay ấp” là ông Nguyễn Đình Đát trở thành gương sáng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Trong đó, ông Đát là viên chức nhà nước, còn bà Loan là lao động tự do.
Chắt chiu để có lương hưu
Câu chuyện của bà Loan bắt đầu kể từ khi bà được cán bộ BHXH địa phương tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện với nhiều lợi ích cho người lao động. Hiểu rõ về mức đóng, phương thức đóng, quyền lợi được hưởng, bà đã bàn bạc với gia đình và quyết định tham gia vào lưới an sinh.
Không chỉ tự mình tham gia, bà Loan cũng động viên vợ chồng con trai và cháu nội cùng tham gia BHXH tự nguyện. Hiện, gia đình bà có 2 người tham gia BHXH bắt buộc, 4 người tham gia BHXH tự nguyện.
BHXH tự nguyện đang ngày càng tăng độ "phủ sóng" ở Thái Bình. |
Bà Phạm Thị Loan cho hay, cả hai ông bà đã lớn tuổi, các con đều đã lần lượt lập gia đình, có cuộc sống riêng. Vì vậy, bà chủ động tham gia BHXH tự nguyện để đỡ gánh nặng cho con cháu. Chưa kể, ở tuổi bát tuần, sức khỏe không còn tốt, việc có BHYT cũng giống như có một “tấm khiên bảo vệ”.
“Tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi rồi nhưng vẫn quyết định tham gia BHXH tự nguyện để làm gương cho con cháu, hơn nữa khi tham gia loại hình bảo hiểm này nếu qua đời thì con cháu cũng được nhận tiền tử tuất. Nếu tôi tham gia được 5 năm trở lên thì còn có chế độ trợ cấp mai táng phí. Tôi thấy đây là chính sách rất nhân văn đối với người dân”, bà Loan bộc bạch.
Thực tế cho thấy trên địa bàn tỉnh Thái Bình ngày càng có nhiều lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện, bởi thấy được lợi ích bền vững của chính sách an sinh đầy nhân văn của Nhà nước.
Như trường hợp của chị Bùi Thị Hòa 46 tuổi, ở thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư. Chị Hòa quyết định tham gia BHXH tự nguyện trong đợt ra quân tuyên truyền chính sách BHXH hồi tháng 11/2022 của BHXH huyện Vũ Thư. Do đã nắm rõ bản chất của chính sách nhân văn này, nên vợ chồng chị đều yên tâm và quyết định tham gia với mức đóng 517.000 đồng/người/tháng.
Lan tỏa tính nhân văn
Chị Bùi Thị Hòa cho hay, đã nhiều lần nghe thông tin về BHXH tự nguyện qua đài, báo, nhưng vẫn chưa thực sự quan tâm tìm hiểu, hơn nữa cũng cảm thấy xa vời bởi suy nghĩ làm gì có chuyện người lao động tự do lại có cơ hội nhận lương hưu khi về già.
Chỉ khi được cán bộ BHXH huyện và nhân viên thu ở xã đến tận gia đình tư vấn, kể ra những trường hợp “người thật việc thật”, chị Hòa mới hiểu rõ những quyền lợi được hưởng, quy định về mức tiền đóng hàng tháng, đặc biệt là còn được lựa chọn linh hoạt các phương thức đóng để phù hợp với điều kiện kinh tế, từ đó chị quyết định gia nhập lưới an sinh của Nhà nước.
BHXH tự nguyện là "tấm khiên bảo vệ" của người lao động tự do khi về già. |
"Có BHXH tự nguyện, khi hai vợ chồng hết tuổi lao động sẽ được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng và được cấp thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh. Chỉ nghĩ đến việc được hưởng an nhàn khi lớn tuổi, không trở thành gánh nặng cho con cháu là tôi đã thấy vui mừng, an tâm làm việc”, chị Hòa hồ hởi nói.
Cũng giống như trường hợp của chị Hòa, chị Phạm Hồng Thắm 45 tuổi, ở xã An Qúy, huyện Quỳnh Phụ đã tham gia BHXH tự nguyện hơn 1 năm nay. Tiền tham gia BHXH tự nguyện là số tiền chị tích góp hằng ngày nhờ buôn bán nhỏ ở chợ xã.
Chị Thắm chia sẻ: “Qua vận động, tuyên truyền của ban, ngành, đoàn thể địa phương, tôi thấy được lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, như được cấp thẻ BHYT miễn phí, được lãnh lương hưu hằng tháng, được hưởng chế độ tử tuất... nên tôi tham gia”.
Đáng chú ý, không chỉ tự mình tham gia, không ít người sau khi gia nhập lưới an sinh đã tình nguyện trở thành những tuyên truyền viên “tay ngang”, góp phần lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện đến người thân, bạn bè và nhiều lao động tự do khác trong và ngoài địa phương.
Như trường hợp của chị Thắm, sau khi tự mình tham gia chính sách BHXH tự nguyện, thấy được lợi ích trước mắt (được khám chữa bệnh miễn phí) và lâu dài (được hưởng lương hưu), chị đã trở thành một tuyên truyền viên nhiệt huyết, vận động nhiều người thân và hàng xóm vào chuỗi an sinh.
Giải pháp mở rộng chính sách
Được biết, sáng kiến vận động “mỗi người tham gia BHXH tự nguyện trở thành một tuyên truyền viên” được các cơ quan BHXH tỉnh Thái Bình triển khai rộng rãi trong những năm gần đây và cho thấy những kết quả tích cực. Không chỉ có chị Thắm, hàng trăm người tại các địa phương đã tham gia, hình thành một mạng lưới tuyên truyền, góp phần lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện ngày càng xa hơn.
Bên cạnh đó, để lan tỏa tính nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện đến với mọi người dân trên địa bàn tỉnh, những năm qua, BHXH tỉnh Thái Bình đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, đổi mới và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Rất nhiều mô hình truyền thông trực tiếp tại cộng đồng được BHXH tỉnh triển khai đa dạng như: Tổ chức các đợt ra quân trên địa bàn toàn tỉnh; phát tờ rơi, tờ gấp tại các điểm trung tâm, các khu chợ, nơi tập trung đông người; tuyên truyền lồng ghép tại các cuộc họp thôn, tổ dân phố, sinh hoạt chuyên môn của các đoàn thể; tuyên truyền nhóm nhỏ theo các cụm dân cư; tổ chức hội nghị tuyên truyền tại các thôn, tổ dân phố vào buổi tối, vào ngày nghỉ cuối tuần để nhân dân có thể thuận lợi tham dự...
Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT. Tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện cho cán bộ, hội viên, đoàn viên để tích cực tham gia, từ đó vận động người thân, bạn bè cùng tham gia. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về những lợi ích của chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt là BHXH tự nguyện.
Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ người dân một cách tốt nhất, hướng tới thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.
Mỹ Chí