Bá Thước là huyện nghèo 30a của tỉnh Thanh Hóa. Trong những năm gần đây, huyện đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hỗ trợ người dân sản xuất theo hướng liên kết để người dân có thể giảm nghèo bền vững, tránh tình trạng tái nghèo. Việc thành lập và phát triển HTX Dịch vụ phát triển mô hình con nuôi đặc sản vịt Cổ Lũng cũng nằm trong mục tiêu đó.
Chăn nuôi tập trung
HTX Dịch vụ phát triển mô hình con nuôi đặc sản vịt Cổ Lũng phát triển con vật đặc trưng của địa phương giống như chính cái tên của HTX. Đó chính là vịt Cổ Lũng. Vịt Cổ Lũng hay còn gọi là vịt Mường Khòong có màu lông cánh sẻ, xương nhỏ, cổ rụt, chân nhỏ lùn. Giống vịt này chỉ ăn lúa, cua, ốc, rong rêu bên suối nên thịt nhiều nạc và chắc, ngọt, thơm.
Vịt Cổ Lũng giúp người dân giảm nghèo |
Do người dân chăn nuôi giống vịt này theo hình thức chăn thả (lúa, vịt), không theo khuôn khổ, chỉ là tự phát nên loài vịt này đang mất dần nguồn gen. Vì vậy, việc phục giống loài vịt này là rất cần thiết. Để phát triển mô hình chăn nuôi vịt đặc sản của địa phương, HTX đã lựa chọn phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Hiện, HTX đang phát triển với quy mô đàn khoảng 2000 con, thực hiện chăn nuôi vịt sinh sản, vịt thương phẩm và ấp nở trứng vịt. Nhờ được tập huấn kỹ thuật và tham gia các mô hình chăn nuôi tiêu biểu, thành viên HTX thay đổi phong tục tập quán chăn nuôi theo hình thức chăn thả, không phụ thuộc vào nguồn thức ăn từ tự nhiên mà chủ động tạo nguồn thức ăn tại chỗ.
Chăn nuôi tập trung tại chỗ tuy đầu tư nhiều hơn nhưng mang lại hiệu quả cao hơn. Nếu như thả vịt chạy đồng để vịt tự kiếm thức ăn thì người chăn nuôi tiết kiệm chi phí nhưng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, lại không bảo đảm về số lượng. Chính vì vậy, chăn nuôi có sự quản lý chặt chẽ trên một khu vực nhất định là biện pháp giúp các thành viên kiểm soát chặt sự xâm nhập của mầm bệnh vào đàn vật nuôi, tạo ra sản phẩm thịt sạch cho thị trường.
Các thành viên đã đầu tư cơ sở hạ tầng cho chăn nuôi vịt chủ yếu là chuồng trại (cho vịt ngủ, tránh thời tiết giá rét, sương muối), máng ăn, máng uống, hệ thống rào quây, đường, rào chắn, đèn điện thắp sáng để quản lý và bóng đèn ủ con giống nhỏ và kích thích sinh sản. Các chất thải thì được tận dụng làm phân bón cho cây trồng nhờ nền đệm lót sinh học nên không cần phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Việc xây dựng này đều do các hộ tự túc xây dựng.
HTX cũng mua máy ấp, máy nở, máy phát điện dự phòng, vận hành máy ấp trứng. Trong quá trình chăn nuôi, các hộ thành viên thực hiện theo sự chỉ dẫn của cán bộ khuyến nông của địa phương. Lứa đầu tiên, HTX đã lựa chọn những con vịt tốt nhất của các hộ thành viên để tiếp tục chăn nuôi, mở rộng đàn.
Hỗ trợ giảm nghèo
Vịt được HTX nuôi khoảng 6 tháng bắt đầu đẻ, trọng lượng tầm 3 - 4 tháng tuổi đạt 1,6 - 1,7 kg, sau 4 - 5 tháng nuôi trung bình có thể đạt 1,5 - 2 kg, bình quân nuôi 4 - 5 tháng có thể đạt 1,6 - 2 kg. Nếu như trước đây, người dân phải tự mang vịt ra chợ bán thì hiện nay đã có đơn vị đến tận nơi đăng ký thu mua với số lượng lớn. Giá bán tại khu chăn nuôi là khoảng 80.000 đồng/kg vịt thương phẩm và vịt giống với giá bán bình quân 12.000 - 13.000 đồng/con, lúc cao điểm lên đến 18.000 đồng/con.
Chăn nuôi theo quy trình, bảo đảm từ nguồn giống, thức ăn, vệ sinh, tiêm phòng, đàn vịt của HTX phát huy được những điểm mạnh của vịt Cổ Lũng truyền thống như vịt có xương nhỏ, thịt nhiều nạc, thơm ngon khó loại vịt nào ở đâu sánh bằng, thịt không ngậy và hôi như các loài vịt khác.
Hiện, ngoài cung cấp giống cho các thành viên, HTX còn trở thành đơn vị cung cấp giống vịt Cổ Lũng tiêu biểu trên địa bàn với giá cả phù hợp nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.
Không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên, hiện HTX còn hỗ trợ kỹ thuật, vốn,giống cho nhiều hộ gia đình có nhu cầu phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng theo hướng an toàn sinh học. Chính vì vậy, mô hình nuôi vịt của HTX đã và đang trở thành biện pháp hữu hiệu góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người dân khu vực miền núi. Nhiều hộ không có việc làm và thu nhập ổn định, nay đã gắn bó với nghề nuôi vịt tập trung và có thu nhập khá giả.
Bên cạnh đó, hoạt động của HTX còn góp phần bảo tồn giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt, mở ra hướng phát triển chăn nuôi vịt chất lượng cao, đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho nông dân và là cơ sở để lưu giữ các nguồn gen quý. Chăn nuôi an toàn sinh học cũng mở ra hướng làm ăn khoa học cho người dân, giúp địa phương bảo đảm yếu tố môi trường, phát triển bền vững.
Hiện, chính quyền địa phương đang tạo điều kiện để HTX xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị kinh tế từ loài vật nuôi đặc trưng này.
Như Yến