Theo báo cáo từ Bộ LĐ-TB&XH, đến hết năm 2020, cả nước còn gần 32 triệu người trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong khi đó, chính sách BHXH tự nguyện cho lao động khu vực phi chính thức mới giới hạn ở 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, chưa thực sự hấp dẫn được người lao động. Ngay cả BHXH bắt buộc cũng còn “bỏ sót” một số nhóm đối tượng có nhu cầu và khả năng tham gia như: Chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý DN, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt...
'Khoảng trống' ở cán bộ HTX
Vì thế, mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 45% và đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW là một thách thức rất lớn. Hiện nay, tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH vẫn thấp so với mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH càng thêm khó khăn.
Chính sách bảo hiểm cho lao động trẻ có chuyên môn tham gia quản trị HTX còn bất cập. |
Hơn nữa, để khuyến khích người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH cần có nhiều cơ chế hỗ trợ. Đơn cử, HTX Nông nghiệp Hà An (Thị xã Quảng Yên - Quảng Ninh) chuyên sản xuất nông nghiệp, điều tiết nước tưới tiêu, cung cấp vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây, con giống cho gần 1.500 hộ thành viên.
6 năm trước, HTX trên hoàn thành chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 để tinh gọn lại bộ máy, cơ cấu lại hoạt động sản xuất. Bộ máy quản lý của HTX hiện có 6 người: 4 người hết tuổi lao động; 1 người là phó giám đốc HTX, cán bộ phường bán chuyên trách tham gia BHXH bắt buộc; 1 người là thủ quỹ HTX tham gia BHXH tự nguyện.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hà An, cho biết: Cán bộ trong bộ máy quản lý tuổi đã cao không thể tham gia BHXH bắt buộc theo quy định. Trong khi mức lương, phụ cấp phụ thuộc vào đại hội thành viên HTX. Điều này sẽ khó thu hút thành viên, lao động có trình độ về làm việc tại HTX. "Tôi mong muốn Nhà nước có cơ chế hỗ trợ đối với HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia đóng BHXH", ông Đạt cho biết.
Liên quan tới vấn đề BHXH, theo báo cáo từ Liên minh HTX Việt Nam, thời gian qua, một số chính sách hỗ trợ HTX được quy định tại Điều 6 Luật HTX năm 2012 và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật HTX năm 2012; Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ số 276/TB-VPCP ngày 3/8/2018 tại cuộc họp với Liên minh HTX về tình hình KTTT, HTX… chưa được thực hiện trên địa bàn cả nước hoặc có ít địa phương thực hiện.
Đặc biệt là các vấn đề như: Tiền lương làm căn cứ tính BHXH đối với Chủ tịch HĐQT, giám đốc HTX; chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với cán bộ HTX; chính sách hỗ trợ tiền lương và bảo hiểm cho lao động trẻ có chuyên môn tham gia quản trị HTX.
Sửa đổi cơ chế, chính sách
Trước tình hình trên, vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã có Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi, trong đó đề xuất: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, khuyến khích thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu; tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra các giải pháp thực hiện như: Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng (chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý DN, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương); có quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian...
Theo ông Điều Bá Được, nguyên Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo đề xuất của Bộ LĐTBXH là phù hợp. Để mở rộng vững chắc diện bao phủ về BHXH thì nên mở rộng đến toàn bộ người có quan hệ lao động (có thuê mướn, sử dụng và trả lương) không nên chỉ áp dụng đối với người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên như quy định trong Luật BHXH hiện hành.
Ông Được phân tích: "Quan hệ lao động thực chất là mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, thị trường lao động có nhiều thay đổi hình thức hợp đồng lao động truyền thống đang có sự chuyển đổi sang các dạng thỏa thuận khác bằng văn bản hoặc không bằng văn bản nhưng vẫn mang bản chất là quan hệ lao động".
Vì vậy, nếu cứ quy định cứng nhắc phải có hợp đồng lao động mới thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH sẽ không phát triển được số người tham gia, thậm chí số người tham gia BHXH bắt buộc sẽ giảm do họ không tiếp tục ký kết hợp đồng lao động mà chuyển sang các dạng thỏa thuận khác, ví dụ như hợp đồng kinh tế giữa các hãng xe công nghệ và lái xe.
Thy Lê