Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã quy định: Người lao động làm việc tại HTX (hợp tác xã), doanh nghiệp (DN)... phải tạm dừng hoạt động có thể nhận được các hỗ trợ.
HTX khó khăn, người lao động cũng khốn khó
Điều này được đánh giá là rất cần thiết trong bối cảnh người lao động trong các HTX hiện nay đang gặp khá nhiều khó khăn. Đơn cử, thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng đã "đóng băng" hoạt động vận tải hành khách, khiến các HTX hoạt động trong lĩnh vực này lâm vào tình cảnh khó khăn chưa từng thấy.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết đang quyết liệt triển khai các chính sách hỗ trợ đến với người dân, HTX, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. |
Ông Hứa Minh Đức, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Đại Thắng II (Bạc Liêu), cho biết với ngành nghề chính là kinh doanh vận tải hành khách, khi xe phải ngưng hoạt động, không chỉ HTX mà đời sống của tài xế, nhân viên cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Theo ông Đức, tính cả 2 đầu ở Bạc Liêu và TP.HCM, HTX có hơn 100 tài xế, nhân viên. Từ ngày ngưng vận chuyển khách, HTX chỉ duy trì một số chuyến chở hàng hóa để cầm cự. Tuy nhiên, nguồn thu không đáng kể, trong khi còn phải chăm lo một phần để đời sống người lao động bớt khó khăn. Do vậy, HTX rất mong nhận được hỗ trợ.
Với các HTX nông nghiệp, thì ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh trong năm 2021 cũng đang khiến nhiều HTX lâm vào tình cảnh khó khăn. Nếu năm 2020, HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu (Na Rì - Bắc Kạn) luôn có 6 công nhân tham gia lao động với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng/năm. Bước vào năm 2021, dịch COVID-19 lan rộng khắp các tỉnh thành khiến cho việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, HTX đã phải cho cả 6 công nhân nghỉ việc mà chưa biết bao giờ mới làm việc trở lại.
Giám đốc HTX Hoàng Văn Luân chia sẻ, sản phẩm tinh thì chỉ bán trong tỉnh còn sản phẩm dược liệu thô như cà gai leo, giảo cổ lam phơi khô… do việc vận chuyển khó khăn, đối tác thu mua giảm hẳn. Tới thời điểm hiện nay, doanh thu giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước.
BHXH Việt Nam đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ
Trước tình hình trên, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, cơ quan này đang quyết liệt triển khai các chính sách hỗ trợ đến với người dân, HTX, DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến nay, nhiều người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong cả nước đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và các chính sách hỗ trợ khác theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, tính đến hết ngày 31/7/2021, BHXH Việt Nam thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh mức đóng 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN) cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ BHTNLĐ, BNN (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) khoảng 4.322 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 120 đơn vị với 9.533 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 61,53 tỷ đồng tại 24 tỉnh.
BHXH Việt Nam cũng xác nhận danh sách cho 175.804 lao động của 10.858 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách tại 55 tỉnh, thành phố. Trong đó gồm 116.160 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; 7.959 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người; 16.764 lao động (thuộc 182 đơn vị sử dụng lao động) ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để vay vốn trả lương ngừng việc...
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, toàn ngành cần nêu cao vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của lãnh đạo, viên chức trong việc hướng dẫn, hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ cũng như việc cắt giảm tối đa thời gian giải quyết hồ sơ xuống còn không quá 01 ngày làm việc… để chính sách hỗ trợ đến được với NLĐ, NSDLĐ một cách sớm nhất, hiệu quả nhất.
Việc ngành BHXH Việt Nam triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho NLĐ, giúp HTX, DN có thêm điều kiện để phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, đẩy lùi dịch COVID-19, sớm ổn định kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Để tiếp tục đồng hành hỗ trợ HTX, DN và NLĐ giảm bớt khó khăn, cùng chung tay thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch hiệu quả”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc phân công, theo dõi nắm bắt, đôn đốc, hướng dẫn các HTX, DN gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 sớm lập hồ sơ để được giải quyết việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định.
Có thể khẳng định, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23, BHXH Việt Nam đã khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thực hiện các công tác liên quan một cách chủ động, kịp thời, với mục tiêu cao nhất là đưa chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến từng người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN. Đảm bảo khâu giải quyết hồ sơ được triển khai một cách thuận tiện, trong thời gian nhanh nhất, tạo thuận lợi tối đa cho NSDLĐ và NLĐ.
Qua đó, với vai trò là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các HTX, DN bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch COVID-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Thy Lê