Anh Vũ.Đ.L - người lao động (NLĐ) đang làm việc tại công ty, cho biết: Công ty nợ tiền BHXH từ tháng 9/2013 đến nay và nợ lương của NLĐ từ 1/4/2018 đến nay. Mặc dù tháng nào công ty cũng trừ 10,5% bảo hiểm và 2% kinh phí công đoàn trích từ lương hàng tháng của NLĐ, nhưng đến giờ gần 6 năm, BHXH của chúng tôi vẫn chưa được đóng đầy đủ cho cơ quan BHXH thành phố.
62 tỷ nợ BHXH
Anh L.V.Q chia sẻ: “Đã nợ lương, lại cũng không có thẻ BHYT. Công nhân bức xúc làm ầm lên thì đơn vị lại hứa hẹn rồi cấp tạm cho cái thẻ BHYT ngắn hạn (có giá trị 1 tháng hoặc 3 tháng). Khi thẻ về đến tay NLĐ thì cũng hết hạn hoặc gần hết hạn. Giờ đây mỗi khi ốm đau đã không có tiền, lại không có thẻ BHYT, tôi rất lo lắng”.
Ngày 5/7/2017, do công ty nợ lương, nợ các loại bảo hiểm cho NLĐ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống việc làm, giải quyết các chế độ có liên quan như hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… nên NLĐ đã ngừng việc tập thể. Để trấn an NLĐ, đại diện công ty đã hứa sẽ thanh toán tiền lương và chi trả 10 tỷ đồng nợ BHXH.
Ngày 27/4/2018, tại cuộc họp có đông đủ đại diện các cơ quan chức năng liên quan (công an, BHXH, Sở LĐ- TB&XH, chính quyền địa phương…) lãnh đạo công ty tiếp tục hứa hẹn sẽ trả lương, thanh toán một phần nợ BHXH cho NLĐ và chốt sổ với những lao động đã nghỉ việc… Tuy nhiên sau nhiều lần “thất hứa”, đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết, bức xúc, mâu thuẫn giữa NLĐ với công ty ngày càng gia tăng.
Một công nhân khác cho biết: “Chúng tôi bức xúc nhất là dù tình trạng công ty nợ nần, quyền lợi của chúng tôi chưa được giải quyết nhưng mới đây công ty đã bán lại cổ phần cho một công ty khác. Công ty đã giấu giếm thông tin, không công khai với NLĐ. Đến khi chúng tôi biết thì việc mua bán cổ phần này đã xong. Việc công ty nợ BHXH, theo Luật Công đoàn phải khởi kiện công ty ra tòa, nhưng công đoàn gần như bị “vô hiệu”, không bảo vệ được quyền lợi cho NLĐ”.
Trụ ở công ty CP Lisemco tại Hải Phòng |
Làm ăn thua lỗ, thoái vốn nhà nước
Cung cấp thông tin cho PV, ông Phạm Đinh Tùng - Phó Tổng Giám đốc công ty CP Lisemco, cho biết: Đến nay, lương của NLĐ sản xuất trực tiếp công ty đã thanh toán đến giữa tháng 11/2018, một số đơn vị đã ứng đến giữa tháng 12/2018. Khối lao động gián tiếp (các phòng ban…) đã được nhận lương đến hết tháng 9/2018.
Lisemco nợ BHXH Tp.Hải Phòng (từ tháng 9/2013 đến nay) số tiền 62 tỷ đồng (cả gốc và lãi), nợ BHYT từ tháng 8/2018. 10,5% trừ từ lương hàng tháng của NLĐ công ty đều nộp lại cho BHXH, chỉ nợ 21,5% số tiền thuộc trách nhiệm công ty phải đóng cho NLĐ. Công ty có khoảng 300 lao động sản xuất thường xuyên.
Nguyên nhân của tình trạng làm ăn thua lỗ, nợ đọng nhiều là do Lisemco hoạt động ở hai lĩnh vực chính là gia công kết cấu thép và đóng tàu. Từ năm 2012, ngành đóng tàu gặp nhiều khó khăn, nhiều nhà máy phải phá sản vì vậy lĩnh vực này công ty gần như bị “tê liệt”.
Đến năm 2013, hoạt động của công ty chủ yếu chỉ còn gia công kết cấu thép, thì một đơn hàng xuất khẩu lớn với đối tác nước ngoài (kéo dài hơn 3 năm - làm gia công kết cấu thép cho một nhà máy nhiệt điện) bị hủy hợp đồng, khiến công ty càng rơi vào “cơn bĩ cực”.
Liên quan đến việc công ty sang nhượng cổ phần, ông Tùng cho biết: Công ty CP Lisemco trực thuộc Tổng công ty Lilama với 79,98% vốn nhà nước. Tổng công ty Lilama thực hiện thoái vốn nhà nước, chào bán cổ phần tại Lisemco. Đã có 3 nhà đầu tư đứng ra mua toàn bộ phần vốn của Lilama tại Lisemco, thủ tục chuyển nhượng cổ phần sẽ được hoàn tất vào ngày 22/2/2019.
Những lo lắng, bức xúc của hàng trăm NLĐ tại Lisemco là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, đến khi nào quyền lợi của NLĐ mới được giải quyết thì đại diện công ty “chưa dám hứa hẹn trước điều gì” mà chỉ trông chờ, hy vọng nhà đầu tư mới – cổ đông lớn nhất sẽ chia sẻ khó khăn cùng công ty, hỗ trợ công ty trong việc giải quyết quyền lợi cho NLĐ.
Thanh Vân