Nhờ sản xuất kinh doanh hiệu quả mà năm 2018, EVN có tổng doanh thu ước đạt 340.500 tỷ đồng, tổng tài sản tính đến cuối năm 2018 là 702.836 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt 20.170 tỷ đồng, lợi nhuận vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Đáp ứng nhu cầu điện cao kỷ lục
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh năm 2018, triển khai nhiệm vụ kế hoạch 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 3/1/2019, Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết bước vào thực hiện kế hoạch năm 2018, EVN gặp nhiều thách thức như nhu cầu điện tăng cao so với kế hoạch 2,4 tỷ kWh, khu vực miền Nam thiếu hụt nguồn điện trầm trọng, nguồn cấp khí bị suy giảm vận hành không ổn định, nguồn cấp than trong nước cũng không đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện, đặc biệt trong 3 tháng cuối năm; lưu lượng nước về các hồ thủy điện đạt thấp…
Trong năm 2018, một số chi phí đầu vào tăng cao như giá than nhập khẩu, giá dầu, biến động tỷ giá… làm chi phí mua điện của EVN tăng 7.011 tỷ đồng và chênh lệch tỷ giá cuối kỳ tăng trên 4.000 tỷ đồng.
Công tác thu xếp vốn đầu tư các dự án điện gặp khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn ODA và vốn vay nước ngoài… Công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư các dự án nguồn và lưới điện truyền tải ngày càng khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án.
Song vượt qua khó khăn, năm 2018, EVN đã hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, cung ứng điện. Sản lượng điện sản xuất và mua đạt kỷ lục 212,9 tỷ kWh, vượt 2,4 tỷ kWh so với kế hoạch, tăng 10,36% so với năm 2017. Trong đó điện sản xuất của công ty mẹ EVN là 49,35 tỷ kWh, vượt 6,55 tỷ kWh so kế hoạch.
Đặc biệt, điện sản xuất của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đạt kỷ lục 12,3 tỷ kWh, vượt 51,2% sản lượng thiết kế. Các nhà máy thủy điện cũng bảo đảm phát điện và đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, trong đó đã cấp 5,74 tỷ m3 nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân; đồng thời đảm đương nhiệm vụ phòng lũ, vận hành tuyệt đối an toàn hồ đập, điều tiết cắt giảm lũ hiệu quả để bảo vệ hạ du.
Điểm nổi bật trong năm 2018 là chỉ tiêu tiếp cận điện năng của EVN đã tăng 37 bậc, vươn lên vị trí thứ 27 trong 190 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, đạt mục tiêu vào nhóm ASEAN 4 trước 2 năm.
Năm qua cũng là năm công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng của EVN tiếp tục được cải thiện. Từ tháng 12/2018, EVN bắt đầu triển khai cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4 (cấp độ cao nhất) đáp ứng 100% các dịch vụ công trực tuyến.
Theo đánh giá của VCCI, tỷ lệ các doanh nghiệp hài lòng về chất lượng dịch vụ cung cấp điện đã tăng lên 74%, duy trì vị trí thứ 2 về các dịch vụ tiện ích gia tăng trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Thách thức lớn nhất đối với ngành là không để thiếu điện |
Bứt phá, nâng cao hiệu quả SXKD
Ghi nhận những nỗ lực to lớn của ngành điện trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng tối đa nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống nhân dân, song Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành điện cần có những đột phá căn bản hơn nữa.
Trong thời gian tới, thách thức lớn nhất đối với ngành là không để thiếu điện và phải đáp ứng ngày càng tăng cao nhu cầu điện, trong khi các nguồn năng lượng như thủy điện đã gần như khai thác hết; việc phát triển các nguồn điện thay thế gặp nhiều khó khăn. Nhiệt điện khí có giá thành cao, nhiệt điện than vấp phải các vấn đề về môi trường, còn các nguồn năng lượng tái tạo mới đạt tỷ lệ thấp.
Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh những khó khăn về vốn, cần có cơ chế để thu hút các nguồn lực đầu tư nước ngoài khi trần nợ công của chúng ta đã tới ngưỡng. Thời gian tới, vẫn phải phát triển nhiệt điện than, tuy nhiên phải tuân thủ tuyệt đối các quy định về môi trường để tạo đồng thuận trong nhân dân. "Kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch các dự án gây ô nhiễm môi trường, không đánh đổi nhiệt điện lấy môi trường ô nhiễm", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu ngành điện phải thực hiện khâu đột phá chiến lược, đổi mới sáng tạo để tạo ra các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trong khi đời sống người dân chưa cao, GDP đầu người trung bình ở Việt Nam mới đạt 2.000 USD/năm thì chưa thể dùng giá điện cao, phải đưa giá điện ở mức hợp lý vì đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Muốn vậy, EVN cần bứt phá trên cơ sở nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư, góp phần giảm giá điện. Phải làm sao để đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện, đồng bộ với dự án lưới điện. Tham mưu cho Bộ Công Thương lập quy hoạch hệ thống truyền tải điện quốc gia đến năm 2030, trên cơ sở đó, xác định các nguồn điện cần ưu tiên cho từng giai đoạn, đề xuất kế hoạch thực hiện.
Tân Tổng Giám đốc EVN - ông Trần Đình Nhân, cũng khẳng định: "Thiếu điện là bài toán vô cùng thách thức đối với EVN trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc giải bài toán mất cân đối giữa doanh thu và chi phí bởi sự biến động thường xuyên các yếu tố đầu vào khiến chi phí tăng cao. Theo tính toán, một số chi phí đầu vào tăng cao như giá than nhập khẩu, biến động tỷ giá... làm chi phí mua điện của EVN tăng hơn 7.000 tỷ đồng và chênh lệch tỷ giá tăng trên 4.000 tỷ".
Tân Tổng Giám đốc EVN cũng cho rằng đã đến lúc phải triển khai mạnh mẽ các biện pháp quản lý nhu cầu để việc sử dụng điện của khách hàng tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Hồng Quân