Trong đợt nắng nóng cao điểm kéo dài trong những ngày đầu tháng 7, có ngày (4/7), sản lượng tiêu thụ điện đã thiết lập kỷ lục mới với con số 725 triệu kWh, cao nhất từ trước đến nay.
Đáp ứng tối đa nhu cầu điện
Theo EVN, trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đã bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ phát triển KT-XH của cả nước và sinh hoạt của người dân tại các địa phương, đặc biệt là phối hợp với chính quyền và nhân dân các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả các đợt mưa lũ tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang.
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, ngành điện đang “căng mình” ứng phó với mục tiêu bảo đảm cung ứng điện ở mức an toàn và tối ưu nhất.
Hiện vẫn phải truyền tải điện từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam với sản lượng truyền tải 6 tháng đạt 89,42 tỷ kWh (tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó sản lượng truyền tải vào miền Nam khoảng 9 tỷ kWh (tương đương 21,5% nhu cầu điện miền Nam). Mức truyền tải cao nhất trên giao diện Bắc - Trung là 2.400 MW và Trung - Nam là 3.950 MW.
Trong các tháng đầu năm 2018, EVN tích cực thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác dịch vụ khách hàng, cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng.
Các Tổng công ty Điện lực và công ty Điện lực các địa phương đã triển khai cơ chế “1 cửa liên thông” trong việc giải quyết thủ tục cấp điện qua lưới điện trung áp; cung cấp các dịch vụ tại Trung tâm Hành chính công của 14 tỉnh, thành phố; kết nối cung cấp dịch vụ tại cổng dịch vụ công trực tuyến của 39 tỉnh, thành phố...
Đến nay, Hà Nội và Bắc Ninh là ha địa phương đã ban hành quyết định triển khai cơ chế “một cửa liên thông” giữa ngành điện với UBND các tỉnh, giúp doanh nghiệp và người dân giảm thiểu các thủ tục hành chính liên quan đến dịch vụ điện năng.
Về các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện toàn EVN, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng thời gian mất điện khách hàng bình quân (SAIDI) là 358,74 phút (giảm 18,4% so với cùng kỳ 2017), tần suất mất điện thoáng qua bình quân (MAIFI) là 0,83 lần/khách hàng, tần suất mất điện kéo dài bình quân (SAIFI) là 3,18 lần/khách hàng.
Để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao trong các năm tới, trong 6 tháng đầu năm, EVN đã đưa vào vận hành thương mại 2 tổ máy dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và hoàn thành chạy tin cậy dự án Nhiệt điện Thái Bình.
Ngành điện đang “căng mình” bảo đảm mục tiêu cung ứng điện |
Đối mặt với nguy cơ thiếu điện
Tính chung trên toàn quốc, tổng công suất các nguồn điện được đưa vào phát điện 6 tháng đầu năm 2018 khoảng 1.500 MW. Đến cuối tháng 6/2018, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống là 46.900 MW, trong đó nguồn điện của EVN là 28.124 MW chiếm gần 60%.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, để có thể đáp ứng yêu cầu điện đến năm 2030, riêng khu vực Tây Nam bộ phải đầu tư 16 dự án nhiệt điện, cùng với đó phải đầu tư các dự án điện tái tạo (gió, mặt trời), mua thêm điện của nước ngoài. Việc phát triển nhiệt điện cũng đặt ra nhu cầu rất lớn là phải xây dựng các cảng, kho để cung cấp than, khí cho các nhà máy.
Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2030 nhu cầu nguồn điện tăng thêm 95.852 MW (bình quân gần 6.400 MW/năm). Riêng giai đoạn 2016 - 2020, cần đưa vào vận hành 21.650MW (gần 4.330 MW/năm). Trong đó, EVN chỉ có thể bảo đảm khoảng 7.185MW (bằng 33,2%), còn lại gần 14.500MW (66,8%) do các DN khác đầu tư.
Đây thực sự là bài toán rất khó. Trong khi đó, chi phí sản xuất điện đang có xu hướng gia tăng nhanh, ảnh hưởng lớn giá thành sản xuất điện.
Theo tính toán của EVN, trong trường hợp các dự án nguồn điện hoàn thành đúng tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, do hệ thống điện miền Nam không tự cân đối cung cầu nội miền, sản lượng điện thiếu hụt hàng năm khoảng 10 - 15% tổng nhu cầu.
Do đó, hệ thống điện truyền tải 500 kV Bắc - Nam giữ vai trò đặc biệt quan trọng và luôn trong tình trạng mang tải cao để truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung cấp cho miền Nam.
Giai đoạn 2018 - 2020, do năng lực truyền tải điện có giới hạn, chỉ đáp ứng được 18,5 tỷ kWh/năm (đạt ngưỡng giới hạn truyền tải Bắc - Nam) và tăng trưởng phụ tải 11,6%/năm, miền Nam có thể thiếu điện vào năm 2019 khoảng 2 tỷ kWh.
Từ năm 2018, Tập đoàn sẽ phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu ở miền Nam, duy trì trong các năm tiếp theo sản lượng huy động nhiệt điện dầu và việc bảo đảm cấp điện miền Nam phụ thuộc rất lớn vào tiến độ các dự án nguồn điện ở phía Nam.
Hồng Quân