Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật an toàn được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Đây cũng là con đường ngắn nhất thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi, tạo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, ổn định kinh tế, giải quyết đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi có truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm cho người dân.
Đi theo GAHP
Đồng Nai hiện có khoảng 12 chuỗi tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn, gồm: 4 chuỗi trứng gà, 3 chuỗi thịt gà, 3 chuỗi chế biến thực phẩm và 2 chuỗi thịt heo an toàn thực phẩm tại hai huyện Vĩnh Cửu và Tân Phú. Toàn tỉnh có khoảng 3.300 trang trại chăn nuôi, trong đó khoảng 540 trang trại được công nhận an toàn dịch, gồm 290 trang trại gia cầm, 260 trang trại gia súc.
Trong tỉnh Đồng Nai cũng duy trì hai vùng an toàn dịch bệnh tại huyện Thống Nhất, Trảng Bom và khoảng 61 trang trại chăn nuôi lợn đạt chứng nhận VietGAHP (thực hành chăn nuôi tốt nông hộ), cùng với khoảng 638 hộ thành viên của các nhóm GAHP.
Điểm đáng ghi nhận là có không ít HTX của tỉnh đã chủ động tham gia vào chuỗi chăn nuôi an toàn này và gặt hái những thành quả nhất định. Đơn cử như HTX Dịch vụ, sản xuất và chế biến Đồng Hiệp ở xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, là đơn vị điển hình phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm thịt sạch. Hiện nay, ngoài quy mô sản xuất của mình, HTX còn liên kết với 10 trang trại tại huyện Thống Nhất mở rộng chuỗi sản xuất. Chính vì vậy, khả năng cung cấp lợn thương phẩm của HTX là tương đối lớn, có thể lên đến 2.000 con/ngày.
Ông Nguyễn Trí Công - Giám đốc HTX Đồng Hiệp, cho biết phía HTX đã và đang tiếp tục vận động các trang trại chăn nuôi trong tỉnh cùng tham gia mở rộng HTX để xúc tiến chuỗi sản phẩm an toàn. Cụ thể là thành lập mô hình thí điểm (chi nhánh HTX - điểm trưng bày, giới thiệu nông sản an toàn - bình ổn giá).
Thời gian qua, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của HTX này đã thu được một số kết quả đáng kể, như việc kiểm soát đầu vào từ các trang trại có chứng nhận VietGAHP. Quy trình giết mổ, sơ chế cũng như quá trình bảo quản và vận chuyển tuân thủ vệ sinh thú ý, hạn chế lây nhiễm sinh vật. HTX cũng giới thiệu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
HTX ở Đồng Nai liên kết các trang trại mở rộng chuỗi chăn nuôi an toàn |
Đạt chuẩn xuất khẩu
Giới chuyên gia khuyến nghị người chăn nuôi trong tỉnh Đồng Nai phải vào chuỗi liên kết sản xuất an toàn để có thể tồn tại và phát triển, nhất là tham gia vào các HTX chăn nuôi đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn.
Khi tham gia HTX chăn nuôi, các thành viên được hỗ trợ từ con giống đến kỹ thuật mới trong chăn nuôi, mua chung đầu vào với chi phí rẻ hơn, được áp dụng các quy trình an toàn dịch bệnh, VietGAHP.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Trí Công, quan trọng nhất là việc sản xuất theo chuỗi khép kín, đồng bộ, hiện đại sẽ giúp bảo đảm về chất lượng thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc, hạn chế phát sinh, lây lan các dịch bệnh trên động vật và bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhờ vậy, HTX Đồng Hiệp ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp nên bảo đảm đầu ra bền vững cho thành viên.
Còn theo ông Lê Văn Quyết - Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai) - HTX nuôi gà xuất khẩu đầu tiên của cả nước, với nhu cầu của thị trường xuất khẩu thì chỉ một vài trang trại không giải quyết được vấn đề nguồn cung, mà phải liên kết rất nhiều thành viên là người chăn nuôi, các HTX và doanh nghiệp…
HTX Long Thành Phát được thành lập năm 2017, khi ông Quyết chuyển hướng sang chăn nuôi gà xuất khẩu đạt tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản. Đây là HTX nông nghiệp công nghệ cao có nhiều nét mới. Cụ thể là thành viên của HTX không chỉ có người chăn nuôi mà còn có nhiều thành viên là doanh nghiệp cung cấp con giống, sản xuất cám... đủ chuẩn xuất khẩu.
HTX kiểu mới này đã từng bước tìm được lời giải cho những bài toán khó về việc luôn giữ được cả về chất lượng lẫn sản lượng của con gà xuất khẩu đi Nhật Bản.
Thanh Loan