Đến cuối năm 2019, dự kiến toàn tỉnh có 51/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 49 xã so với năm 2010, tăng 29 xã so với năm 2015, bình quân 13,5 tiêu chí/xã, tăng 10,2 tiêu chí so với năm 2010. Hiện, tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ NN&PTNT thẩm định để xét, công nhận “Thành phố Lào Cai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019”. huyện Bảo Thắng đang phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2020.
Phát triển kinh tế xã hội
Xây dựng nông thôn mới là chương trình mang tính toàn diện nhất dành cho khu vực nông thôn từ trước đến nay. Quá trình thực hiện, Lào Cai có nhiều cách làm sáng tạo, cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Yếu tố quan trọng làm nên thành công của chương trình đó là tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân – chủ nhân của chương trình, đồng thời là người hưởng lợi trực tiếp những thành quả mà chương trình mang lại.
Nông thôn mới giúp đời sống và bộ mặt nông thôn ở Lào Cai được nâng lên |
Nổi bật là hệ thống đường giao thông nông thôn, việc phát triển giao thông nông thôn là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, phục vụ dân sinh, khai thác thế mạnh, tiềm năng của địa phương. Từ năm 2010 - 2019, toàn tỉnh đã dựng thực hiện 5.447,54 km đường giao thông nông thôn (tăng 2.83,99 km so với giai đoạn 2010-2015).
Đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Lào Cai đạt gần 24 triệu đồng/người/năm. Dự kiến đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 25,5 triệu đồng/người/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn, giảm 22,85% so với năm 2015 (theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều, năm 2015 rà soát lại theo chuẩn nghèo đa chiều là 43,85%). Toàn tỉnh có 70 thôn đạt thôn kiểu mẫu, 96 thôn đạt thôn nông thôn mới.
Để phát triển kinh tế nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn, trong quá trình triển khai, tỉnh Lào Cai chú trọng phát triển kinh tế hợp tác gắn với các tiêu chí trong nông thôn mới.
Nếu như năm 2016, Lào Cai có 129 HTX nông nghiệp thì đến năm 2018 đã tăng lên 164 HTX. Tổng số Các HTX nông nghiệp góp phần rất lớn trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng như góp phần nâng cao đời sống kinh tế xã hội.
Trong sản xuất đã có 17 HTX tham gia thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như dược liệu, ớt, rau, hoa, cá nước lạnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm... gắn với những cái tên như HTX tại xã Nậm Cang (Sa Pa), Xuân Giao (Bảo Thắng), Hợp Thành và Cam Đường (T.p Lào Cai), Trịnh Tường (Bát Xát).. Các HTX đã tạo việc làm ổn định cho 12.504 hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo xây dựng nông thôn mới ở khu vực nông thôn.
Lào Cai cũng xây dựng chiến lược và chương trình hoạt động cho các HTX, gắn chặt với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, triển khai đồng loạt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích về đất đai, tín dụng, đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến ngư và khuyến công… để tạo điều kiện cho HTX không ngừng đổi mới hoạt động tổ chức và xây dựng theo đúng Luật HTX, khẳng định vai trò, uy tín và hiệu quả hoạt động, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong chương trình nông thôn mới.
Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn toàn tỉnh Lào Cai. Đời sống của người dân từng bước được nâng cao, góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước...
Điểm nhấn Tà Chải
Theo Lãnh đạo tỉnh Lào Cai, trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh cũng có nhiều khó khăn vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông khó khăn và nhận thức của người dân còn lạc hậu nhưng sau khi tích cực tuyên truyền và xây dựng những mô hình mẫu, người dân đã chủ động cùng các cấp chính quyền phát triển kinh tế xã hội, đóng góp vào quá trình nông thôn mới.
Tiêu biểu là xã vùng cao Tà Chải ( Bắc Hà) sau khi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, xã lại tiếp tục phát huy nội lực từ cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân địa phương để “duy trì”, “nâng cao” hiệu quả các tiêu chí đã đạt, nhất là với nhóm các tiêu chí dễ biến động. Địa phương cũng chú trọng xây dựng và nhân rộng các thôn mới kiểu mẫu để các thôn khác học tập. Nhờ đó đến nay, xã Tà Chải đã có những đổi thay rất đáng ghi nhận.
Cụthể, để nâng cao hiệu quả kinh tế, người dân đã phát triển hơn 20 ha cây mận tam hoa, đồng thời chú trọng trồng cây rau an toàn 3 vụ/năm trên diện tích 4ha đất canh tác. Bà con nơi đây cũng chú trọng trồng trên 20 ha ngô hàng hóa, đậu tương, cây lạc… phục vụ đời sống và chăn nuôi. Một số hộ còn đầu tư cải tạo nhà sàn để làm du lịch cộng đồng làng bản, trong đó chú trọng phát huy bản sắc người Tày địa phương và các món ăn ẩm thực độc đáo vùng cao để níu chân du khách...
Xã Tà Chải cũng tập trung tuyên truyền sâu rộng cơ chế, chính sách mới, về mô hình phát triển sản xuất… gắn tuyên truyền với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Xã cũng tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng thôn kiểu mẫu theo địa bàn đồng thời chú trọng huy động các nguồn lực “xã hội hóa” cùng chung tay xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới.
Không chỉ Tả Chải mà nhiều xã của Lào Cai giờ đây đã có những chuyển biến tích cực từ xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lào Cai phấn đấu đến năm 2020, có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 55/143 xã); có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; số tiêu chí bình quân đạt 15 tiêu chí/xã.
Huyền Trang