Các sáng kiến như hát bài chòi, cài đặt nhạc chờ, mô hình truyền thông nhóm nhỏ, tổ xung kích… đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều địa phương, từ đó tạo hiệu ứng tích cực, vừa cung cấp kiến thức, vừa làm thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là lao động tự do tại cơ sở.
Ấn tượng "nhạc chờ BHXH tự nguyện"
Những năm qua, BHXH Quảng Nam đã triển khai phương án cài đặt “nhạc chờ BHXH tự nguyện”, coi đây là một hình thức tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện mang tính lan tỏa nhanh, mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số.
Hiện, “nhạc chờ BHXH tự nguyện” đang được tất cả cán bộ viên chức BHXH tỉnh Quảng Nam, nhân viên đại lý thu, tuyên truyền viên tại các địa phương cài đặt.
Sự sáng tạo trong tuyên truyền giúp BHXH tự nguyện lan tỏa nhanh hơn tại các địa phương. |
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết, thông qua nội dung “nhạc chờ BHXH tự nguyện”, người dân dần dần hiểu được ý nghĩa của chính sách BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình. Hình thức tuyên truyền này được lặp đi lặp lại cũng góp phần tạo sự chuyển biển trong nhận thức của người nghe, trước hết là để hiểu đúng về ngành BHXH và chính sách BHXH tự nguyện.
“Rất nhiều người dân còn xa lạ với BHXH tự nguyện. Họ nghĩ việc tham gia BHXH, rồi có lương hưu khi hết tuổi lao động chỉ dành cho công chức, lao động trong doanh nghiệp lớn. Vì vậy, việc tuyên truyền thông qua nhạc chờ, nếu được thực hiện tốt, sẽ giúp họ hiểu rõ hơn”, ông Hùng chia sẻ.
Ngoài ra, hiện nay, không ít người lao động đang nhầm lẫn giữa chính sách BHXH tự nguyện của Nhà nước với các hình thức bảo hiểm của doanh nghiệp. Vì vậy, các hình thức tuyên truyền nhanh, mạnh thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, công nghệ thông tin là rất cần thiết để giúp người lao động khu vực phi chính thức hiểu rõ và tình nguyện tham gia vào lưới an sinh xã hội.
Bên cạnh hình thức nhạc chờ, thời gian qua, BHXH Quảng Nam còn thực hiện hình thức “hát bài chòi tuyên truyền BHXH tự nguyện”. Ý tưởng này xuất phát từ việc kết hợp hình thức văn hóa dân gian của địa phương với nội dung chính sách BHXH tự nguyện dễ lôi cuốn, thu hút nhiều người quan tâm.
Đối tượng được tuyên truyền thông qua hình thức văn nghệ dân gian mộc mạc, gần gũi này phần lớn là người dân, người lao động tự do. Tham dự buổi tuyên truyền, người dân vừa được thưởng thức văn hóa tinh thần vừa được tìm hiểu về chính sách an sinh xã hội.
“Chính nhờ có sự kết hợp với Trung tâm văn hóa địa phương, nên mỗi đêm tổ chức biểu diễn thu hút rất nhiều người xem trực tiếp, có buổi số lượng người xem lên đến gần 1.000 người như ở Tiên Phước, Hội An, Núi Thành”, đại diện BHXH tỉnh Quảng Nam cho hay.
Hiệu quả từ "truyền thông nhóm nhỏ"
Nếu ở Quảng Nam có hát bài chòi, cài nhạc chờ, thì ở tỉnh Yên Bái những năm qua lại triển khai hiệu quả mô hình “truyền thông nhóm nhỏ” đưa chính sách BHXH tự nguyện “ngấm” dần vào đời sống của người dân, đặc biệt là các khu vực vùng sâu vùng xa.
Bà Mai Thị Thanh Bình, Giám đốc BHXH huyện Yên Bình cho biết, các nhóm sẽ gồm cán bộ BHXH, bưu điện, nhân viên đại lý thu phối hợp với trưởng thôn tại các khu dân cư đến từng nhà để tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện.
Nhờ các nhóm hoạt động hiệu quả, người dân được đối thoại trực tiếp với cán bộ BHXH, đại lý thu, qua đó giải tỏa những băn khoăn, thắc mắc về chính sách, yên tâm tham gia.
Mô hình truyền thông nhóm nhỏ trong công tác BHXH đang cho hiệu quả cao tại nhiều địa phương. |
Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Hà (ở thị trấn Yên Bình) lúc đầu khá e ngại về việc tham gia BHXH tự nguyện do nghĩ là ít quyền lợi và tốn nhiều tiền. Khi được tuyên truyền, giải thích cụ thể, bà đã chủ động tham gia.
“Các cán bộ bảo hiểm đến gia đình tôi tư vấn rất nhiệt tình, hướng dẫn chi tiết về mức đóng cũng như thời gian đóng linh hoạt. Tham gia BHXH tự nguyện với mức 297 nghìn/tháng, tôi đã đóng tiền cho cả năm. Tuy nhiên, tôi cũng có thể chuyển sang đóng theo tháng, quý hoặc 6 tháng. Nếu có điều kiện, tôi sẽ đóng luôn 5 năm”, bà Hà tâm sự.
Một hình thức khá tương đồng với mô hình "truyền thông nhóm nhỏ” ở Yên Bái là mô hình “tổ xung kích” ở Sơn La. Theo Quyết định 861/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/7/2021, huyện Mai Sơn có 8 xã khu vực II được phê duyệt là xã khu vực I, với hơn 40.000 đối tượng người dân tộc thiểu số không được ngân sách hỗ trợ đóng BHYT.
Trước tình hình trên, BHXH huyện Mai Sơn đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức truyền thông đa dạng, phù hợp với tình hình địa phương, trong đó mô hình tổ xung kích phát triển người tham gia BHXH, BHYT được coi là giải pháp mũi nhọn.
Nhân rộng những mô hình điểm
Mô hình tổ xung kích là một sáng kiến của BHXH huyện Mai Sơn nhằm triển khai hiệu quả công tác truyền thông, vận động người tham gia chính sách. Theo đó, mỗi tổ xung kích của BHXH có ít nhất 2 thành viên để phối hợp cùng tổ xung kích của xã bao gồm cấp ủy, công chức, bí thư bản, trưởng bản là thành viên trong Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT của xã. Nội dung tổ chức là hội nghị tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng và tuyên truyền, vận động theo nhóm nhỏ đến tận hộ gia đình.