Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) với hơn 100 doanh nghiệp về hoạt động sản xuất kinh doanh, đến hết tháng 2/2023, có tới 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Các yếu tố khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp: thị trường bị thu hẹp (41,2%), hàng tồn kho nhiều (30,1%), giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%), khó tiếp cận nguồn vốn (40%)… Nhiều doanh nghiệp dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn nguyên nhân là do không có đơn hàng dự trữ.
Nỗ lực tìm kiếm đơn hàng
Chưa bao giờ ngành da giày và dệt may lại khó khăn như hiện nay do thiếu đơn hàng. Trong tháng 3 này, công ty PouYuen - chuyên gia công giày xuất khẩu có văn bản gửi cơ quan chức năng về việc thực hiện thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với gần 2.400 công nhân do khó khăn về đơn hàng.
Hiệp hội dệt may đã xác định năm nay có nhiều khó khăn, đơn hàng ít và thời gian ký ngắn nhưng các doanh nghiệp vẫn không cắt giảm lao động. |
Câu chuyện của PouYuen là điển hình cho những khó khăn hiện nay mà các doanh nghiệp ngành da giày và dệt may đang đối mặt. Tuy nhiên, thay vì cắt giảm lao động như PouYuen, nhiều doanh nghiệp đang cố gắng sắp xếp tối ưu hóa sản xuất để "giữ việc" cho người lao động.
Hiệp hội dệt may đã xác định năm nay có nhiều khó khăn, đơn hàng ít và thời gian ký ngắn nhưng các doanh nghiệp vẫn không cắt giảm lao động.
Đơn cử, Công ty TNHH SX-TM-DV Long Cường (TP Thủ Đức, TP HCM) hiện có 178 lao động, thu nhập bình quân từ 9,5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, trong tháng 5 và 6 công ty không có đơn hàng. Thế nhưng, lãnh đạo doanh nghiệp không cắt giảm lao động mà cam kết sẽ cố gắng tìm đơn hàng mới để ổn định thu nhập, việc làm của người lao động. Nếu vẫn còn khó khăn, công ty sẽ tính đến phương án bố trí cho công nhân nghỉ lễ 30-4 và 1-5 dài ngày.
Dù đơn hàng chỉ còn 1/3 so với trước đây, song Công ty TNHH Toàn Thắng (Thủ Đức, TPHCM) vẫn cố gắng duy trì sản xuất để giữ việc cho NLĐ, không để bất cứ công nhân nào bị mất việc. Thậm chí doanh nghiệp này còn có sáng kiến tăng năng suất trong các công đoạn chế biến để công nhân được thưởng năng suất từ 1-2 triệu đồng/người/tháng. Điều này đã giúp doanh nghiệp giữ được lao động trong tình hình hiện nay.
Hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp để "giữ chân" người lao động
Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện tại đang hoạt động không có lợi nhuận để lao động có việc làm, giữ chân lao động có tay nghề tốt, gắn bó với công ty. “Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm và đàm phán một số đơn hàng lớn với các đối tác ở Mỹ, dự kiến tình hình sau quý II/2023 sẽ khả quan hơn. Nếu cắt giảm nhân sự, đến lúc có đơn hàng sẽ phải mất nhiều thời gian để tuyển mới, đào tạo, cũng như để nhân sự thích nghi với công việc”, giám đốc một doanh nghiệp chia sẻ.
Trong khi đó, ông Kagami Masanobu, Tổng Giám đốc Công ty Ohashi Tekko Việt Nam, cho hay: "Năm ngoái, có rất ít việc làm do ảnh hưởng của COVID-19 vì thiếu chất bán dẫn. Trong năm nay, chúng tôi sẽ khôi phục sản xuất và dự định nhận chuyển giao từ Nhật Bản nhiều đơn hàng sản xuất bàn đạp chân ga. Để tăng khối lượng công việc trong tương lai, chúng tôi đã mở rộng nhà máy và sẽ tuyển thêm lao động".
Bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, các tổ chức công đoàn cũng đang tìm cách hỗ trợ người lao động trong lúc chờ đơn hàng mới về. Tại thời điểm này, các cán bộ công đoàn cơ sở tại nhiều địa phương đang khẩn trương rà soát, lên danh sách số lao động gặp khó khăn để kịp thời hỗ trợ theo Nghị quyết 06 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ngày 31/3 sẽ là hạn cuối rà soát các trường hợp người lao động bị giãn việc, mất việc. Người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được hỗ trợ một lần với mức từ 1 - 3 triệu đồng từ nguồn kinh phí công đoàn. Khoản tiền hỗ trợ cho mỗi cá nhân không nhiều nhưng cũng giúp cho người lao động bớt đi phần nào khó khăn.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, nhiều doanh nghiệp đề xuất: Cơ quan chức năng cần xem xét đẩy nhanh tiến độ các thủ tục miễn, giảm thuế, xem xét hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp khi người lao động đang đứng trước ngưỡng cửa mất việc.
Các địa phương nên xem xét giảm tiền điện nước, mặt bằng, thuê đất… để giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực, nhanh chóng quay vòng vốn, có thêm ngân sách để giữ chân, chăm lo cho người lao động.
Thanh Hoa