Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật BHXH (sửa đổi). Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP Hồ Chí Minh) đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Cụ thể, trường hợp được đề xuất là người lao động nhưng hai bên không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác và tài xế xe công nghệ.
Tài xế, xe ôm, người giao hàng công nghệ hoặc nhóm lao động trên nền tảng công nghệ hiện nay là một công việc rất phổ biến, nhưng nhóm đối tượng này chưa được tham gia BHXH bắt buộc.
Theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, hiện nay, việc làm tự do đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng phổ biến tại nước ta. Những người làm tài xế xe công nghệ và giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng trong thời đại công nghệ và không ngừng tăng về số lượng. Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, nhóm đối tượng này về bản chất có tồn tại quan hệ lao động vì có thỏa thuận làm việc cho doanh nghiệp vận tải xe công nghệ, có được trả lương. Hai bên lựa chọn hình thức thanh toán tiền lương căn cứ vào kết quả công việc và có sự điều hành giám sát qua thông qua ứng dụng do doanh nghiệp quản lý.
Đội ngũ shipper hùng hậu chưa được đóng BHXH bắt buộc. |
Tuy nhiên, để thực hiện được quy định này thì vẫn cần tính toán kỹ lưỡng vì chắc chắn sẽ có rất nhiều bàn luận, từ nhu cầu thực tế của tài xế xe công nghệ đến sự hợp tác của doanh nghiệp.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho biết, dự thảo Luật đã mở rộng 5 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thể hiện định hướng từng bước mở rộng đối tượng tham gia BHXH trong tương lai, nhưng sẽ làm phát sinh thêm chi phí của cả người lao động và người sử dụng lao động.
"Do đó, cần nghiên cứu đánh giá kỹ tác động và làm rõ các lợi ích chi phí khi tham gia BHXH bắt buộc của các nhóm đối tượng này, tránh phát sinh các phản ứng tiêu cực", bà Mai nêu vấn đề.
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) lại đề cập đến trường hợp từ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chuyển sang không bắt buộc để phù hợp với thực tiễn hơn.
Ví dụ như tại nhiều dự án, công trình ở các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, nơi có ít nhà máy, công ty,... thì người lao động ít có điều kiện làm việc dài hạn. Họ chỉ làm việc ngắn hạn 3 đến 6 tháng với mức lương không cao nhưng vẫn thuộc diện bắt buộc đóng BHXH. Khi dự án, công trình kết thúc, người lao động lại quay trở về với công việc đồng áng thường ngày và gần như rất ít có cơ hội quay lại tiếp tục tham gia thị trường lao động để có thể đóng BHXH. Do đó, các đối tượng này nên được trao quyền được lựa chọn việc nhận tiền công bao gồm cả phần BHXH để thu nhập được tốt hơn thay vì phải đóng BHXH bắt buộc. Dự thảo Luật có thể phân loại và quy định cụ thể các trường hợp như thế này.
Kim Chi