Chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân của Bộ Công an được Thủ tướng phê duyệt bằng quyết định 1368.
Thông tin trên được Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, đưa ra trong cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân vào chiều 3/9.
Theo chủ trương này, dự án sẽ được triển khai đồng bộ song hành cùng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự kiến vận hành đầu năm 2021.
Theo thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, dự án căn cước công dân ước tính 2.800 tỷ đồng, trong đó việc gắn chip điện tử là phần nhỏ trong tổng thể.
Khi thực hiện dự án, Bộ Công an sẽ phải thu thập các trường thông tin liên quan đến công dân để quản lý nhân, hộ khẩu; bổ sung dữ liệu hình ảnh, sinh trắc học. Bộ Công an ước tính giá thành thẻ chíp đắt hơn thẻ vạch từ 10.000 đến 20.000 đồng.
Dù vậy, theo tướng Huệ, hai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Căn cước công dân thực hiện song hành sẽ tiết kiệm nhiều cho ngân sách do nhờ dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, máy chủ, đường truyền...
Đề án thẻ căn cước công dân gắn chip được phê duyệt. |
Bộ Công an bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân có mã vạch từ năm 2016, đến nay 16 tỉnh, thành được trang bị hạ tầng để cấp với trên 16 triệu thẻ. Các tỉnh còn lại, công dân đang sử dụng chứng minh thư 9 và 12 số.
Khi dự án được thông qua, các tỉnh, thành trên toàn quốc sẽ cấp thẻ gắn chip điện tử đồng bộ và đến tháng 7/2021 cả nước sẽ cấp 50 triệu thẻ.
Lý giải việc không cấp thẻ căn cước gắn chip điện tử ngay từ đầu thay vì mã vạch để tránh lãng phí khi xây dựng cơ sở hạ tầng, đại diện Bộ Công an nói, từ năm 2012 khi bắt đầu xây dựng đề án cấp thẻ Căn cước công dân, Bộ đã đưa ra vấn đề này tuy nhiên lúc đó chip điện tử còn đắt, công nghệ sản xuất hạn chế.
"Đến nay các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động công nghệ và giá thành sản xuất rẻ hơn", đại diện Bộ Công an nói.
Vũ Trọng