Cụ thể, kể từ khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực (1/1/2016), việc cấp thẻ Căn cước công dân đã được triển khai ở một số địa phương. Được biết, hiện nay đã có 16 tỉnh, thành phố được cấp thẻ Căn cước công dân.
Điều 38 Luật Căn cước công dân chỉ rõ:
Địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để triển khai thi hành theo Luật này thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2016; chậm nhất từ ngày 1/1/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này.
Đồng thời, các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ CMND được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019.
Cấp thẻ Căn cước thay CMND trên cả nước từ ngày 1/1/2020 (Ảnh Internet) |
Như vậy, theo quy định nêu trên của Luật, bắt đầu từ ngày 1/1/2020, việc cấp thẻ Căn cước công dân sẽ được thực hiện trên cả nước, thay vì chỉ có 16 tỉnh, thành như hiện nay. Khi làm thủ tục cấp đổi CMND hết hạn hoặc trường hợp CMND bị mất thì người dân sẽ được cấp thẻ Căn cước công dân, thay vì CMND.
Bên cạnh đó, theo quy định trong Thông tư 40/2019 có hiệu lực từ 18/11, Bộ Công an quy định công dân làm thủ tục chuyển từ CMND 9 số, CMND 12 số sang thẻ Căn cước công dân, trong thời gian chờ cấp (trong 7 ngày), được phép cấp giấy hẹn và giữ chứng minh thư cũ để giao dịch mà không phải cắt góc như hiện hành.
Chỉ khi được trả thẻ Căn cước công dân, CMND cũ mới bị cắt góc phía trên bên phải mặt trước mỗi cạnh góc vuông là 2cm.
Với CMND 9, 12 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số CMND và chữ), cán bộ làm nhiệm vụ phải thu, hủy CMND đó.
Vũ Hồng