Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã công bố tích hợp 3 dịch vụ công trực tuyến được người dân, doanh nghiệp (DN) quan tâm trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Doanh nghiệp, người tham gia "hưởng lợi"
Trong đó, có 2 dịch vụ liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH). Đó là dịch vụ công số 999: Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và báo cáo tình hình thay đổi lao động; Dịch vụ công thứ 998: Đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính của ngành BHXH. |
Bà Trần Diệu Thùy, Công ty TNHH tư vấn Smile Việt Nam (Hà Nội), cho hay bình thường DN phải thực hiện việc đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp thông qua phần mềm kê khai của các công ty dịch vụ với mức phí khoảng gần 500.000 - 700.000 đồng/năm. Các DN nếu có hơn 100 lao động thì mức phí này khoảng 1,2 triệu đồng/năm.
Với việc cung cấp thủ tục đóng trên Cổng dịch vụ công quốc gia, DN sẽ không phải mất thêm khoản phí cho các công ty dịch vụ để sử dụng phần mềm, vừa giúp DN tiết kiệm chi phí vừa tiết kiệm thời gian đi lại.
Việc nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và nhận kết quả theo đường bưu điện còn giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) cho DN với các ưu điểm như: Thời gian nộp hồ sơ linh hoạt, có thể nộp hồ sơ từ trụ sở DN. Các khâu từ scan hồ sơ, bổ sung hồ sơ hoặc nhận hướng dẫn đều được thao tác trực tiếp trên máy tính.
"DN không cần đến tận nơi, không phải mất thời gian lấy số xếp hàng chờ đợi thực hiện thủ tục; cũng không phải mất thời gian quay đi quay lại bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trong trường hợp có sai sót", bà Thùy cho biết.
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), với con số 501.044 đơn vị sử dụng lao động đã có giao dịch điện tử với BHXH thì số tiền tiết kiệm của toàn xã hội hằng năm sẽ khoảng 1.300 tỷ đồng/năm.
Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cũng ước tính, nếu thực hiện dịch vụ liên thông điện tử, đơn vị sử dụng lao động sẽ tiết kiệm được ít nhất 2 ngày công/năm, chi phí tiết kiệm của xã hội hằng năm tối thiểu là 344 tỷ đồng.
Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động nghiệp vụ của ngành cũng như trong giao dịch, giải quyết TTHC với tổ chức, cá nhân được BHXH Việt Nam tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện, được người dân, tổ chức đánh giá cao. Giao dịch điện tử được triển khai trên tất cả lĩnh vực như thu, cấp sổ BHXH, cấp thẻ BHYT, giải quyết các chế độ BHXH, BHYT và giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Nâng cao hiệu quả phục vụ
Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã nỗ lực triển khai kế hoạch thực hiện việc đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Ước tính, trong 6 tháng đầu năm 2020, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ATM tại các vùng đô thị bình quân trên toàn quốc đạt 69% trên tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp, số người hưởng các chế độ BHXH một lần qua tài khoản ATM đạt 44% và số người hưởng lương hưu qua tài khoản ATM đạt 28%...
Với nhiều giải pháp đồng bộ, việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC của BHXH Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: đã giảm gần 90% số lượng TTHC, từ 263 thủ tục năm 2009 xuống còn 115 thủ tục (giai đoạn 2012-2014), 33 thủ tục (năm 2015), 32 thủ tục (năm 2016), 28 thủ tục (năm 2017), 27 thủ tục (năm 2019).
Đến nay, BHXH Việt Nam cũng đã giảm 21,42% biểu mẫu, 39,2% tiêu thức; 8,11% quy trình, thao tác thực hiện và 19,7% thành phần hồ sơ. Trong khi đó, theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, liên tục trong nhiều năm, BHXH Việt Nam đã giảm số giờ nộp BHXH đối với DN từ 335 giờ (năm 2015) xuống còn 273 giờ (năm 2016), 189 giờ (năm 2017), 147 giờ (năm 2018).
Mới đây, Bộ TT&TT đã công bố kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT các cơ quan nhà nước năm 2019. Theo bảng xếp hạng, BHXH Việt Nam tiếp tục đứng đầu trong nhóm các cơ quan thuộc Chính phủ. Đây là lần thứ 3 liên tiếp, BHXH Việt Nam đạt được thành tích này.
Theo đó, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh, toàn ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tăng cường ứng dụng CNTT, giao dịch điện tử, mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tích hợp kết nối liên thông để cung cấp các dịnh vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tiếp tục rà soát, hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, cấp mã số BHXH cho người tham gia...
Thy Lê
.