Sáng 4/11, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế trực tuyến “Chuyển đổi số - Nền tảng hữu hiệu nâng cao chất lượng quản lý, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người dân”.
70 triệu hồ sơ được giải quyết trực tuyến
Hội thảo nhằm giới thiệu các thành tựu công nghệ thông tin (CNTT) nổi bật giai đoạn 2016-2021 của ngành BHXH Việt Nam và tham vấn ý kiến các chuyên gia quốc tế về định hướng chiến lược phát triển lĩnh vực CNTT của Ngành trong giai đoạn 2021-2025. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội thảo.
![]() |
Toàn cảnh hội thảo. |
Tham dự Hội thảo tại điểm cầu BHXH Việt Nam có ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; các báo cáo viên của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông... Tại điểm cầu quốc tế có đại diện các tổ chức: Ngân hàng Thế giới (WB); Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA); Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA); Cơ quan Phúc lợi và đền bù cho người lao động, Cơ quan Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc và một số chuyên gia đến từ một số doanh nghiệp có thế mạnh về ứng dụng CNTT.
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, trong những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống CNTT của Ngành theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn trong lĩnh vực BHXH và BHYT.
Hiện tại, toàn ngành BHXH Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng, quản lý cơ sở dữ liệu của gần 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; với hơn 20 nghìn tài khoản công chức, viên chức và người lao động trong Ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của Ngành; kết nối liên thông với trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh và hơn 500 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc và các bộ, ngành.
“Mỗi năm, Cổng Giao dịch điện tử tiếp nhận và xử lý gần 100 triệu lượt hồ sơ. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến là gần 70 triệu hồ sơ. Như vậy, nếu tính bình quân mỗi cán bộ BHXH sẽ phải giải quyết hơn 4.000 hồ sơ mỗi năm”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chia sẻ.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng cho biết, đến nay, sau gần 1 năm công bố ứng dụng “VssID - BHXH số” trên thiết bị di động với việc cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, cả nước đã có hơn 23 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID) được đăng ký và phê duyệt.
Mặt khác, với vai trò, trách nhiệm được Chính phủ giao là đơn vị chủ quản của Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm - 1 trong 6 Cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng, BHXH Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, tập trung cơ sở dữ liệu chuyên ngành, danh mục dữ liệu mở để sẵn sàng kết nối, chia sẻ theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Thực tế, việc triển khai ứng dụng VssID đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Chị Lù Thị Liêu, bản Cốc Pa, xã bản Giang (Tam Đường, Lai Châu) được Trạm Y tế xã giới thiệu chuyển tuyến lên khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, vì đi vội nên chị quên không mang thẻ BHYT.
Thật may, khi đến Bệnh viện đúng khi BHXH tỉnh tổ chức cài đặt ứng dụng VssID. Ứng dụng này có các tiện ích: tra cứu mã số BHXH; tra cứu bệnh viện có ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT, số BHXH. Ứng dụng VssID và thông tin của cá nhân trên ứng dụng là một hình thức thay thế và có giá trị tương đương cho thẻ BHYT, thông báo quá trình đóng BHXH trong thực hiện các giao dịch… Vậy nên, chị Liêu không phải quay về nhà mà sử dụng ngay ứng dụng để đăng ký khám bệnh.
Thấy rõ ích lợi của ứng dụng VssID, trong tháng 6/2021, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hoà Bình cũng phối hợp với BHXH tỉnh Hoà Bình triển khai cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đăng ký tài khoản giao dịch hồ sơ điện tử, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID trên thiết bị di động.
Việc triển khai cài đặt ứng dụng BHXH số giúp người lao động tiếp cận các tiện ích được BHXH Việt Nam cung cấp trên ứng dụng, thông tin đóng - hưởng BHXH, BHYT, tiến tới tích hợp, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thanh toán trực tuyến lên ứng dụng trên thiết bị di động là bước đi phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện chiến lược số của quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Đề án chuyển đổi số của tỉnh Hòa Bình.
Qua đánh giá mục tiêu của kế hoạch về việc phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đến năm 2025, BHXH Việt Nam cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh: “Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, nếu không ngừng đổi mới, thực hiện chuyển đổi số thì sẽ rất có thể bị lạc hậu, bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, BHXH Việt Nam mong muốn sẽ được trao đổi, hợp tác để xây dựng, phát triển ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đảm bảo quyền lợi an sinh cho người dân và người lao động”.
Theo đó, ngành BHXH tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ bảo mật thông tin, an ninh mạng và phát triển nguồn nhân lực CNTT cho ngành BHXH Việt Nam; xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội đối với ngành BHXH Việt Nam.
Ngành BHXH Việt Nam khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của ngành, góp phần xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội để BHXH Việt Nam nâng cao vị thế trong việc chủ động, tích cực ứng dụng CNTT, triển khai các chính sách an sinh xã hội, mở ra cơ hội hợp tác giữa các đối tác quốc tế và BHXH Việt Nam về lĩnh vực CNTT trong tương lai.
Nhật Linh