Cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) nằm ở thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, do liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (giữ 51% vốn), công ty TNHH MITSUI O.S.K Lines Nhật Bản, công ty Wan Hai Lines Đài Loan và Tập đoàn Itochu Nhật Bản đầu tư, với tổng kinh phí lên tới 18.000 tỷ đồng.
Kỳ vọng làm động lực
Cảng được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, như: 6 cẩu bờ sức nâng 65 tấn, tầm với 65 m, chiều cao 46 m chạy trên ray; 2 cẩu cố định tại bến xà lan, sức nâng 40 tấn, tầm với 29,5 m; 24 cẩu eRTG 6+1 xếp dỡ container cùng hệ thống xe đầu kéo và hệ thống công nghệ thông tin quản lý cảng hiện đại.
Cảng có cầu tàu dạng bến liền bờ dài 750 m, rộng 50 m, độ sâu nước tới -14m, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 DWT đầy tải; đường nội bộ, bãi container rộng 45 ha; nhà điều hành cảng, xưởng sửa chữa - bảo dưỡng, trạm nhiên liệu…
Theo quy hoạch định hướng phát triển Cảng Lạch Huyện, đến năm 2025, cảng sẽ xây dựng 9 bến/3.000 m (6 bến container/2.250 m, 3 bến tổng hợp/750 m); giai đoạn 2030 và sau 2030 xây dựng 23 bến/7.750 m (16 bến container/6.000 m, 7 bến tổng hợp/750 m, hàng hóa qua cảng 118 tấn…)
Như vậy, Lạch Huyện được xây dựng như cảng tổng hợp, đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa vận tải bằng đường biển ngày càng tăng của các tỉnh, thành phố, KCN, KKT trọng điểm Bắc bộ, đặc biệt là vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Với khả năng đón tàu tải trọng 100.000 DWT, cảng Lạch Huyện có khả năng vận chuyển hàng hóa XNK của khu vực miền Bắc đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ trên các tàu mẹ, thay vì phải trung chuyển qua một cảng khác như trước đây. Điều này sẽ góp phần giảm đáng kể chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh đối với hàng hóa XNK của Việt Nam.
Về lâu dài, cảng Lạch Huyện sẽ trở thành một cảng truy chuyển quốc tế, thu hút lượng hàng quá cảnh khu vực Đông Bắc Lào qua tuyến hành lang Đông - Tây và khu vực Nam Trung Quốc.
Nhận xét về tầm quan trọng của dự án này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng rằng dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sẽ là điểm nhấn quan trọng đối với Hải Phòng và cả nước, góp phần hoàn thiện hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế và hạ tầng giao thông trong khu vực, thúc đẩy phát triển KT-XH của Hải Phòng và các địa phương miền Bắc”.
[Caption]Chuyến tàu đầu tiên vào làm hàng tại cảng HICT |
Thực tế là trở lực
Trước Lạch Huyện, miền Bắc cũng được Chính phủ cấp phép đầu tư xây dựng cảng nước sâu Cái Lân (Quảng Ninh) từ năm 2003.
Cảng Cái Lân được thiết kế có mực nước sâu 13m, cầu cảng dài 598 m, bãi xếp hàng container rộng 18 ha, 4 cẩu giàn mép bến, 12 cần cẩu RTG. Công suất làm hàng khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng dự kiến chạm đỉnh 1,2 triệu TEU/năm, có thể đón tàu container trọng tải tới 40.000 tấn ra vào làm hàng…
Khi đó, Cái Lân cũng được “kỳ vọng” là động lực thúc đẩy kinh tế của miền Bắc. Thậm chí, để phục vụ Cái Lân, Chính phủ còn sẵn sàng bỏ tiền xây dựng tuyến đường sắt khổ rộng 1,435 m theo đúng chuẩn quốc tế chỉ để phục vụ cảng này.
Tuy nhiên, sau thời gian dài hoạt động, kết quả của Cái Lân vẫn chưa thể đáp ứng được với kỳ vọng và mức độ đầu tư. Thậm chí, số lượng hàng thông quan của Cái Lân còn thua kém cả cảng Hải Phòng - vốn không có đường sắt lẫn cảng nước sâu.
Điều này đã nói ra những yếu kém của cảng nước sâu đầu tiên tại miền Bắc: Thiếu các chân hàng, không thể thu gom đủ hàng cho các chuyến tàu, cũng như thiếu quan hệ với các hãng tàu…
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến Cái Lân phát triển không đúng như kỳ vọng vẫn chưa được cơ quan quản lý nào nghiên cứu, rút kinh nghiệm. Và tất nhiên, “chưa có kinh nghiệm”, nên những điểm yếu trên của Cái Lân lại đang hiện hữu tại cảng Lạch Huyện.
Như vậy, bài toán lớn nhất liên danh đầu tư cảng HITC phải giải, là phương án thu gom lượng hàng đủ để định tuyến vận tải mới cho cảng. Nhưng trong ngành vận tải biển, những chân hàng, hay quan hệ của hãng tàu không phải là điều có thể nhanh chóng có được.
Quay lại với Lạch Huyện, trong trường hợp có thể nếu gom đủ hàng cho tàu mẹ tải trọng 100.000 tấn, việc vận chuyển về cảng và bốc xếp hàng hóa vẫn là một vấn đề cần giải quyết.
Với hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa kết nối với cảng, hệ thống hậu cần thu gom hàng của Lạch Huyện, có thể thấy rất khó để có thể phục vụ được tàu mẹ tải trọng 100.000 tấn.
Như vậy, cảng Lạch Huyện với quy mô phục vụ tàu 100.000 tấn, trước mắt có lẽ là hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, hơn là nghĩ tới lãi.
Lạch Huyện có thể “sống” tốt như Grmadapet, hay chật vật như Tân Cảng Sài Gòn, rất cần những nỗ lực ở trên bờ.
Bùi Phú