Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết đến tháng 9/2020, toàn quốc có 14,56 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Để hoàn thành kế hoạch, từ nay đến cuối năm, ngành BHXH cả nước còn phải phát triển thêm 1,48 triệu người.
Nợ đọng tăng cao
9 tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, người lao động không có việc làm phải nghỉ việc; công tác thanh tra, kiểm tra cũng phải hạn chế… dẫn đến số người tham gia và số thu BHXH, BHYT giảm, trong khi số nợ BHXH, BHYT lại tăng lên.
Đẩy mạnh nhiều giải pháp thu hồi nợ đọng BHXH. |
So với cuối năm 2019, mặc dù số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT có tăng trưởng dương, nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp lại giảm mạnh. Số thu dù có tăng về số tuyệt đối, nhưng tỷ lệ so với kế hoạch cả năm lại thấp hơn cùng kỳ (hết tháng 8/2019, số thu toàn Ngành đạt 63,6% kế hoạch năm). Bên cạnh đó, số tiền nợ BHXH, BHYT khoảng 21.408 tỷ đồng (bằng 5,3% số phải thu và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2019).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tính đến tháng 9/2020, cả nước đã có 954 đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 được phê duyệt hồ sơ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, tương ứng với 79.522 lao động và ước số tiền khoảng 326 tỷ đồng.
Doanh nghiệp gặp khó khăn đã đẩy nợ đọng BHXH tăng cao. BHXH TP.HCM cho biết, nửa đầu năm nay, trên địa bàn đã có 69 nghìn đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, chiếm hơn 75% tổng số đơn vị đang được BHXH TP.HCM quản lý. Trong đó, 21.500 đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên.
Về số nợ, tính đến cuối tháng 7/2020, các đơn vị sử dụng lao động tại TP.HCM đã nợ hơn 5.245 tỷ đồng, trong đó có 2.592 tỷ đồng là nợ hơn một tháng, chiếm 3,5% số phải thu (cùng kỳ năm 2019 chiếm 2,6%).
Kiên quyết với đơn vị chây ỳ
Trong khi đó, tại Hà Nội, tình trạng nợ đọng BHXH từ đầu năm đến nay cũng diễn biến theo chiều hướng khá phức tạp, với số đơn vị sử dụng lao động nợ đọng hơn 66.700 đơn vị. Theo BHXH TP.Hà Nội, đến cuối tháng 7, các đơn vị này đã nợ 4.607,4 tỷ đồng (bằng 9,5% số phải thu), tăng khoảng 1.800 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Nếu không tính tới số nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch do giải thể hay doanh nghiệp thuộc diện nợ khó đòi, thì riêng các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động đã nợ hơn 3.300 tỷ đồng.
Điều đáng lo ngại là tình trạng nợ đọng BHXH gia tăng không phải chỉ xảy ra tại Hà Nội hay TP.HCM mà là thực trạng chung, phổ biến từ đầu năm đến nay tại các địa phương trong cả nước.
Ông Phạm Chí Hiếu, Trưởng phòng Quản lý thu, BHXH tỉnh Quảng Trị, cho biết nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nợ BHXH, với số tiền hơn 31,5 tỷ đồng. Trong đó, có doanh nghiệp nợ hàng tỷ đồng, cá biệt một số doanh nghiệp rất khó có khả năng nộp.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) gửi UBND tỉnh Quảng Trị, có hơn 300 đơn vị, doanh nghiệp nợ tiền BHXH trên 3 tháng với số tiền hơn 31,5 tỷ đồng.
Theo đó, ông Phạm Chí Hiếu khẳng định: Từ nay đến cuối năm BHXH tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp quyết liệt trong việc thu hồi nợ nhằm đưa số nợ BHXH xuống mức thấp nhất, hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ do BHXH Việt Nam giao.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP. HCM, đơn vị đã có nhiều giải pháp trong công tác thu và mở rộng đối tượng như rà soát qua dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp; tăng cường đôn đốc, đối chiếu (yêu cầu truy đóng BHXH cho trên 2.000 người lao động tại 4.000 đơn vị); thanh kiểm tra đột xuất; chuyển hồ sơ đơn vị nợ sang cơ quan công an để tiến hành khởi tố.
Trước tình hình trên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và BHXH các địa phương cần bám sát dự toán thu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, trong đó có cơ quan thuế để rà soát các nhóm tham gia BHXH bắt buộc, tăng cường thanh tra đột xuất các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm, kiên quyết thu hồi nợ tại các đơn vị chây ỳ.
Thy Lê