Chủ trương của Đăk Nông là phát triển nền nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững, từ đó tạo mũi đột phá về nông nghiệp công nghệ kỹ thuật cao; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ...
Giá trị từ nông nghiệp công nghệ cao
Đăk Nông đã tận dụng lợi thế nông nghiệp với những cây trồng chủ lực có diện tích, sản lượng lớn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa, giá trị cao như: cà phê trên 129.000 ha, cao su gần 30.000 ha, hồ tiêu trên 33.000 ha, điều trên 14.000 ha...
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7%/năm; sản lượng hàng hóa xuất khẩu ngày càng tăng, thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện.
Đăk Nông đang tập trung xây dựng vùng cà phê công nghệ cao ở Đắk Mil |
Nắm bắt được thế mạnh địa phương cũng như chủ trương phát triển của ngành nông nghiệp cả nước, Đăk Nông đã xây dựng lộ trình để phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo từng giai đoạn với các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh. Phấn đấu đến năm 2035 có 55 vùng sản xuất công nghệ cao tập trung.
Hiện, tỉnh tập trung xây dựng 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với 3 thế mạnh gồm: vùng sản xuất cà phê ở Đắk Mil; vùng sản xuất hồ tiêu ở Đắk Song và vùng sản xuất cây ăn quả tại thị xã Gia Nghĩa. Hàng năm, tỉnh vẫn tiếp tục khảo nghiệm, sản xuất thử các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, có thị trường để bổ sung vào cơ cấu phát triển, nhằm gia tăng lợi ích kinh tế.
Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh, tỉnh dự kiến giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 chiếm 5-7% trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đến năm 2025, đưa giá trị sản lượng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 20-25% trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh và lên 35 - 40% trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh vào năm 2030.
Điều đặc biệt, các mô hình HTX, Tổ hợp tác ở Đăk Nông đã làm tốt vai trò ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo chủ trương phát triển của tỉnh. HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) liên kết với hơn 130 hộ sản xuất gần 250 ha cà phê, sản lượng 900 tấn/năm và đạt tiêu chuẩn quốc tế. HTX được Hiệp hội Thương mại công bằng quốc tế cấp giấy chứng nhận trở thành thành viên sản xuất cà phê thương mại công bằng ở Việt Nam.
Không chỉ áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong trồng cà phê, HTX còn đầu tư nhà xưởng, máy móc hiện đại để chế biến, rang sấy, đóng gói cà phê. Nhờ đó, lợi nhuận sản xuất cao gấp 4-5 lần, trong khi người trồng cà phê giảm được gần 15% chi phí đầu vào.
Hay HTX Đồng Tiến ở, huyện Đắk R'lấp đã huy động vốn của các thành viên để đầu tư nuôi lợn (heo) sinh sản và lợn thịt theo mô hình khép kín,an toàn dịch bệnh. Áp dụng công nghệ cao, HTX có thể cung cấp giống cho thị trường miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nâng cao hiệu quả
Theo UBND tỉnh, trong 6 năm qua, bắt nhịp từ tinh thần của Nghị quyết 04 và các mô hình điểm của ngành nông nghiệp, đến nay, Đắk Nông có 2.383 mô hình về trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 1.557 mô hình thuộc các công ty, doanh nghiệp, hợp tác, tổ hợp tác xã, còn lại là của các hộ dân.
Các địa phương đã huy động được nhiều nguồn lực để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tại huyện Cư Jút, Krông Nô, tập trung phát triển đàn bò, trồng rau, cây dược liệu, cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày. Huyện Đắk Mil tập trung phát triển cây công nghiệp chủ lực là cà phê, cây ăn trái, rau và hoa. Huyện Đắk Song tập trung phát triển cây hồ tiêu. Các huyện Đắk R’lấp, Đắk G’long, Tuy Đức và thị xã Gia Nghĩa ngoài tập trung phát triển cây chủ lực còn xây dựng và nhân rộng các mô hình cây ăn trái.
Đặc biệt, mô hình nhà lồng được xây dựng hầu hết tại các địa phương. Công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân được ứng dụng rộng rãi. Kết quả này đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đồng thời mở ra nhiều hướng mới cho sự phát triển của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để nâng cao hiệu quả của nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh tiếp tục xây dựng các mô sản xuất của cá nhân, HTX… sản xuất hiệu quả, khảo nghiệm các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả để khuyến cáo người nông dân nhân rộng đại trà. Hỗ trợ về mặt tư vấn, giám sát kỹ thuật, hướng dẫn các thủ tục về đăng ký, cấp các chứng nhận theo tiêu chuẩn, xây dựng thương hiệu, quảng báo sản phẩm để thu hút các thành phần kinh tế cùng tham gia trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Như Yến