Sơn tra là cây truyền thống ở Bắc Yên. Do điều kiện tự nhiên ưu đãi, hầu như gia đình nào ở Bắc Yên cũng có cây sơn tra. Nhận thấy thế mạnh của loài cây này, HTX Nậm Lộng đã đi vào hoạt động từ năm 2018. Tuy là HTX thành lập ở khu vực vùng cao, thành viên chủ yếu là người Mông nhưng mô hình trồng cây sơn tra ở Nậm Lộng đã bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.
Đi lên từ gian khó
Ông Giàng A Chinh, Giám đốc HTX sơn tra Nậm Lộng, Hang Chú chia sẻ: HTX có 7 thành viên là các hộ trồng sơn tra tại bản Nậm Lộng, diện tích sản xuất hơn 50 ha. Đến nay, HTX vinh dự được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận táo sơn tra Sơn La. Đây là cơ sở vững chắc để các thành viên HTX tiếp tục vận động, kết nạp thêm các hộ dân vào HTX mở rộng diện tích vùng nguyên liệu sơn tra, tìm kiếm các doanh nghiệp bao tiêu, thu mua sản phẩm.
Lúc đầu HTX mới thành lập gặp không ít khó khăn do người dân chưa hiểu hết vai trò của mô hình kinh tế tập, cũng chưa hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển rừng bằng cây sơn tra. Trong đó, phần lớn diện tích cây sơn tra nằm lẫn trong ruộng ngô, rừng cây của người dân nên rất khó quản lý và bảo vệ.
Để có diện tích sản xuất như hôm nay, ngoài sơn tra tự nhiên của các hộ thành viên, HTX còn tiến hành trồng mới và thực hiện chuyển đổi diện tích của thành viên về gần nhau để tiện lợi cho sản xuất, quản lý và hỗ trợ trao đổi kinh nghiệm. HTX cũng chia thành các tổ để dễ dàng hỗ trợ nhau sản xuất.
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, HTX đã cử cán bộ tham gia tập huấn, tiếp thu kiến thức về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Kỹ thuật ghép mắt, tỉa cành, phòng chống sâu bệnh, chăm sóc, thu hái và bảo quản quả sơn tra, sau đó về hướng dẫn cho các thành viên HTX và bà con trong bản.
Đồng thời, HTX đã lựa chọn những cây sơn tra trội để nhân giống, mở rộng diện tích; đặc biệt, sau thu hoạch không dùng hóa chất bảo quản, nên sơn tra bảo đảm an toàn với người tiêu dùng. Hiện nay, HTX có 50 ha sơn tra, trong đó 20 ha đã cho thu hoạch, HTX đang chuẩn bị 2 vạn mắt ghép và ươm 1 vạn cây giống để cung cấp cho các dự án và nhân dân trồng mới năm 2020.
Ước tính mỗi mùa thu hoạch quả, HTX thu hàng trăm tấn sơn tra. Nhu cầu thị trường về loại quả này ngày một lớn cộng với sự chủ động tìm đầu ra đã mang lại cho HTX vụ mùa bội thu. Điều đặc biệt là nhờ điều kiện tự nhiên cùng với kỹ thuật canh tác tiên tiến được áp dụng, sơn tra của HTX thơm ngon hơn những vùng khác nên sản xuất ra đến đâu hết đến đó. Sơn Tra của HTX Nậm Lộng được bán sang Yên Bái, Điện Biên, Hà Nội, Hải Dương…
Hiện nay, Bắc Yên đang đẩy mạnh phát triển du lịch, sơn tra là cây đặc trưng của địa phương thu hút du khách mọi miền. Điều này cũng là tiềm năng, động lực để HTX tiếp tục phát triển.
Gắn bó với quê hương
Trước đây các thành viên HTX đều là những hộ nghèo ở Nậm Lộng, miếng ăn còn chưa đủ nên người dân chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện làm giàu. Nhất là trước đây cây sơn tra chỉ là cây mọc hoang nên thu nhập của người Mông không cao. Nhiều hộ đã di cư để mong tìm được hướng thoát nghèo.
Tuy nhiên với ý chí vươn lên thoát nghèo, gắn bó với vùng đất quê hương, Giám đốc Giàng A Chinh đã cùng các thành viên góp vốn, vay vốn đầu tư sản xuất sơn tra. HTX cũng tiến hành sản xuất tập trung, quy hoạch diện tích trồng của các thành viên về cùng một nơi, sau đó tích cực trồng rừng xung quanh để bảo vệ sơn tra, tránh tình trạng người xâm lấn, bao chiếm làm nương rẫy, bãi chăn thả gia súc…
HTX Nậm Lộng giúp nhiều hộ thoát nghèo |
HTX cũng tích cực nâng cao nhận thức cho thành viên và người dân, cùng nhau quan tâm đến lợi ích của gia đình trong phát triển chung của cộng đồng để phát triển vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo định hướng quy hoạch. Việc thu hái quả sơn tra non cũng được loại bỏ để không ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng, sản lượng và giá trị kinh tế.
Cùng với đó, Chính quyền huyện Bắc Yên đang có chủ trương phát triển sơn tra là cây trồng chủ lực của địa phương nên HTX đang được địa phương tạo điều kiện để phát triển. Hiện, tỉnh đang đầu tư nhà máy chế biến hoa quả cách Nậm Lộng 170km nên vấn đề đầu ra không còn trở ngại.
Mô hình sản xuất sơn tra theo hướng hàng hóa được đánh giá là mô hình giảm nghèo hiệu quả ở Nậm Lộng. Từ khi vào HTX, mỗi hộ thành viên có thể thu về hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Dàng Nặm Búa, thành viên HTX cho biết, khi vào HTX anh được hỗ trợ kỹ thuật tỉa cành tạo tán, khống chế chiều cao cho cây, việc chăm sóc và thu hoạch của gia đình trở nên dễ dàng hơn nhiều so với trước đây, vì vậy năng suất tăng qua các năm. Vụ thu hoạch vừa qua, gia đình anh thu được trên 20 tấn quả, với giá dao động 6.000-15.000 đồng/kg, trừ chi phí trung bình mỗi năm thu gần 150 triệu đồng.
Theo UBND huyện Bắc Sơn, giờ đây, sơn tra đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Táo sơn tra đang trở thành cây giữ đất, giữ rừng, xóa đói giảm nghèo cho bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Tình trạng người Mông ở Nậm Lộng di cư đến nơi khác định cư cũng không còn.
Huyền Trang