Bà Nguyễn Thị Loan sinh năm 1964, trú tại khu 5, phường Hà An, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh. Là một lao động tự do, không có thu nhập quá dư dả, nhưng bà vẫn quyết tâm “năng nhặt chặt bị” để có tiền đóng BHXH tự nguyện.
Chắt chiu để tham gia BHXH tự nguyện
Chia sẻ về quyết định của mình, bà Loan bảo sau khi nghe cán bộ BHXH địa phương tuyên truyền, rồi tự mình tìm hiểu, thấy được những lợi ích bền vững của chính sách, bà quyết tâm tham gia.
“Trước đây, tôi chưa từng nghĩ một lao động tự do lại có thể nhận lương hưu như giáo viên, công chức nhà nước. Đến năm 2017, khi biết đến chính sách BHXH tự nguyện, tôi nhận thấy giấc mơ có thể trở thành hiện thực. Vì vậy, không lý do gì mà tôi không tham gia”, bà Loan thổ lộ.
BHXH là điểm tựa vững chắc của người lao động khi về già. |
Việc gia nhập vào lưới an sinh, theo bà Loan, lợi ích đầu tiên là được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), ốm đau đi bệnh viện không còn lo chi phí tạo gánh nặng quá lớn. Về lâu dài, khi tuổi già có lương hưu để yên tâm sống an nhiên, không tạo gánh nặng cho con cháu, xã hội.
Một điều đặc biệt là không chỉ tham gia cho chính mình, bà Loan còn “lén” đóng BHXH cho cả 5 người con (cả con trai và con dâu) với mức đóng 300 nghìn đồng/người/tháng, cho đến khi các con của bà lần lượt đi làm công ty và tham gia BHXH bắt buộc.
“Ngày đầu, tôi tham gia BHXH cho con trai và con dâu, không ai biết. Lúc về nhà, tôi mới nói. Các con cũng bảo rằng mẹ lo cho chúng con thế thì mẹ vất vả quá. Nhưng với tôi, san sẻ những lo toan cùng các con là hạnh phúc của người làm mẹ. Tôi dự định năm sau sẽ tăng mức đóng BHXH của bản thân để sau này hưởng mức lương cao hơn, đảm bảo mức sinh hoạt lúc tuổi già”, bà Loan chia sẻ.
Tuổi già an nhàn nhờ có lương hưu
Hai vợ chồng ông Ngô Xuân Lục và bà Nguyễn Thị Tâm, quê Thanh Hóa cùng đồng lòng tham gia BHXH đến cùng, dù rất nhiều đồng nghiệp quyết định rút BHXH một lần. Thành quả ngọt ngào là đến nay, hai ông bà đều đều hàng tháng nhận lương hưu, tận hưởng cuộc sống an nhàn ở tuổi thất thập.
Ở "tuổi xưa nay hiếm", những áp lực về công việc đã không còn, ông Lục đang có một cuộc sống nghỉ ngơi đúng nghĩa. Với khoản lương hưu gần 10 triệu đồng/tháng, ông Lục chưa bao giờ phải phiền đến con cái, người thân.
Người bạn đời của ông Lục là bà Nguyễn Thị Tâm (72 tuổi) cũng đang có khoản lương hưu ổn định, sau gần 3 thập niên gắn bó với nghề giáo, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.
Mức 7 triệu đồng lương hưu mà bà Tâm đang được hưởng nhờ vào những lần điều chỉnh lương hưu qua các năm của Nhà nước. Năm 2022, dù tình hình kinh tế có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1.
Cần có giải pháp tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện để thuyết phục người lao động tự do tham gia. |
Chia sẻ về tuổi hưu của mình, ông Lục tâm sự: “Sau nhiều năm làm việc, đi công tác liên miên, tuổi già có đồng lương hưu là điểm tựa vững chắc cho những người lao động. Vì vậy, tôi luôn rất ủng hộ các chính sách BHXH, mong mọi người có điều kiện để vào chuỗi an sinh của Nhà nước”.
Hiện tại, khi các con đều đã trưởng thành, đi làm ăn xa, chỉ còn hai ông bà ở nhà, ông Lục lại mang trong mình căn bệnh tim mạch, huyết áp cao, nhưng nhờ có chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), được khám chữa bệnh miễn phí nên vợ chồng ông Lục rất yên tâm, không phải phiền hà con cái.
“Hai người già nên chi tiêu cũng không quá nhiều, vì vậy khoản lương hơn 10 triệu đồng của cả hai vợ chồng cũng đủ để chi tiêu, thuốc thang khi bệnh, ngoài ra có một chút tích lũy để phòng thân, mua quà bánh cho con cháu khi sum vầy những dịp đoàn tụ, lễ tết”, ông Lục bộc bạch.
Nâng cao quyền lợi cho người lao động
Có thể thấy, chính sách BHXH đang trở thành điểm tựa vững vàng cho rất nhiều cán bộ, người lao động khi về già. Việc được hưởng các chính sách hỗ trợ, cơ bản nhất và cũng là thiết thực nhất là tiền lương và chế độ khám chữa bệnh miễn phí giúp chất lượng sống của người dân sau khi hết tuổi lao động được nâng lên đáng kể.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù tỷ lệ % hưởng lương hưu khá cao (tối đa 75%) nhưng do mức đóng thấp, thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ngắn, tình trạng người lao động nghỉ hưu trước tuổi nhiều, đóng không đúng mức tiền lương, thu nhập thực tế tại một số đơn vị sử dụng lao động… dẫn đến mức hưởng bình quân hiện nay của nhiều người lao động còn thấp.
Đây cũng đang là vấn đề được cơ quan BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm. Trong dự thảo sửa đổi Luật BHXH đang được lấy ý kiến đưa ra 2 phương án tính tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH hàng tháng, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng.
Phương án 1 giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động.
Phương án 2, tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động. Với phương án này, tiền lương được tính đóng BHXH bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động.
Hiện, cả nước đang có hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng. Để tiếp tục nâng cao đời sống cho người nghỉ hưu, ngày 29/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng.
Theo đó, thực hiện tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng từ 12,5% - 20,8% cho người hưởng. Người nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà vẫn hưởng dưới 3 triệu đồng/tháng thì sẽ được tăng thêm.
Cụ thể: người hưởng dưới 2,7 triệu đồng/tháng được tăng thêm 300.000 đồng/tháng; người hưởng từ 2,7 đến dưới 3 triệu đồng/tháng được tăng lên 3 triệu đồng/tháng. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 14/8/2023; các quy định của Nghị định được thực hiện từ 1/7/2023.
Lệ Chi