Bà Đỗ Thị Thanh Tâm sinh ra và lớn lên ở phường Nông Trang, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Bà từng có thời gian làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài, tham gia BHXH bắt buộc được 5 năm 8 tháng. Sau khi nghỉ việc, bà tìm đến cơ quan BHXH để làm thủ tục rút BHXH một lần.
Vượt khó ở lại lưới an sinh
Bà Tâm cho biết thời điểm công ty cắt giảm nhân sự, kinh tế gia đình bà khó khăn, vì vậy nhìn nhiều đồng nghiệp rút BHXH một lần, cầm cục tiền trong tay nên bà cũng ham và có ý định tương tự. Nhưng đến khi được cán bộ BHXH địa phương nhiệt tình tư vấn, phân tích thiệt hơn nên bà cân nhắc lại.
“Khi nghe cán bộ BHXH tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện tôi thấy ưng ngay. Nhưng quan trọng là lúc đó chính sách này còn khá mới, lại nghĩ cần phải theo đuổi đến gần 15 năm nữa để đủ điều kiện hưởng lương hưu nên tôi lại phân vân”, bà Đỗ Thị Thanh Tâm chia sẻ.
BHXH tự nguyện được ví như tấm khiên bảo vệ người lao động tự do khi về già. |
Vì sự phân vân nên phải mất một thời gian dài suy nghĩ, bà Tâm mới quyết định không rút BHXH một lần và ở lại lưới an sinh của Nhà nước. Chia sẻ về quyết định này, bà cho biết có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là mức đóng linh hoạt, khi đủ tuổi có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu. Thứ hai và cũng là điều quan trọng nhất là ước mơ có lương hưu khi về già, không còn lo gánh nặng cho con cái.
“Việc mỗi tháng dành ra mấy trăm nghìn để tham gia BHXH tự nguyện không hề đơn giản với những lao động tự do như chúng tôi, nhưng nếu biết tiết kiệm, giảm những chi phí sinh hoạt không cần thiết thì có thể theo được. Khi đến tuổi nghỉ hưu mà số năm chưa đủ tôi sẽ đóng nốt những năm còn thiếu để hưởng lương hưu và có thẻ BHYT”, bà Tâm thổ lộ.
Chính sự quyết tâm, không bỏ cuộc ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, đến nay, bà Đỗ Thị Thanh Tâm đã sắp được hái trái ngọt. Theo đúng quy định thì đến năm 2025, bà Tâm sẽ đủ điều kiện để hưởng lương hưu, đồng nghĩa ước mơ thành hiện thực.
Hóa giải nỗi lo khi về già
Cũng giống như bà Tâm, chị Tạ Thị Lan Phương (sinh năm 1976, trú xã Thụy Vân, Việt Trì, Phú Thọ) cũng là lao động bị mất việc vì công ty chủ quản gặp khó khăn. Quá trình đóng BHXH bắt buộc bị gián đoạn. Dù nhận được nhiều lời khuyên nên rút BHXH một lần, cầm tiền cho yên tâm.
Tuy nhiên, khi đến cơ quan BHXH để xử lý hồ sơ, nhận được sự tư vấn của cán bộ phụ trách, chị Phương đã hồi tâm chuyển ý, quyết định tham gia tiếp BHXH tự nguyện để đảm bảo tương lai lâu dài.
Chị Phương chia sẻ, trước đây chị làm công nhân tại Công ty TNHH Yakjin Việt Nam (Khu công nghiệp Thụy Vân) và đã tham gia BHXH bắt buộc được 14 năm 4 tháng. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, không có đơn hàng dẫn đến không có việc làm, công ty cắt giảm nhân sự nên chị phải nghỉ việc.
BHXH tỉnh Phú Thọ đang đẩy mạnh tuyên truyền để hút người lao động tự do vào lưới an sinh. |
“Khi đến cơ quan BHXH để hỏi về thủ tục thanh toán bảo hiểm thất nghiệp, tôi đã được cán bộ BHXH tỉnh Phú Thọ hướng dẫn và tư vấn nên tham gia tiếp BHXH tự nguyện, sẽ được cộng nối quá trình tham gia BHXH trước đây. Tôi chỉ mất vài phút suy nghĩ là đồng ý ngay”, chị Phương kể lại.
Sở dĩ có sự đồng ý nhanh chóng chỉ sau vài phút, theo chị Phương, là bởi trước đây chồng chị làm tự do không đóng BHXH, không may bị tai nạn trong một lần tham gia giao thông phải nằm liệt một chỗ hơn 6 năm nay không có chế độ gì nên phụ thuộc vào vợ, con.
Cũng vì vậy, chị luôn canh cánh lo cho tương lai của mình khi về già. Khi được cán bộ BHXH giới thiệu về chế độ BHXH tự nguyện, chị mới biết tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện sẽ cộng nối thời gian tham gia BHXH trước đó, và được tham gia ngay trong khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Không ngừng mở rộng lưới an sinh
Có thể thấy, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chính sách BHXH tự nguyện đang ngày càng được lan tỏa, làm thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ về chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người tham gia BHXH tự nguyện ở Phú Thọ được nhận lương hưu, đảm bảo cuộc sống khi về già, giảm gánh nặng cho con cháu.
Trong nửa đầu năm 2023, BHXH tỉnh đã chủ động, tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan trong công tác thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế tại địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 49 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, đưa Phú Thọ là một trong 10 địa phương có tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện tăng cao trên cả nước. Trong đó, 100% người thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT; 93,5% dân số tham gia BHYT.
Đạt được kết quả này, các Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT giữ vai trò rất quan trọng với việc vận động và trực tiếp thu tiền của 46.503 người tham gia BHXH tự nguyện (chiếm 94,9% tổng số người tham gia tại tỉnh); 237.179 người tham gia BHYT hộ gia đình (chiếm tỷ lệ 94,3% tổng số người tham gia).
Trong năm 2023, để hoàn thành chỉ tiêu được giao, cơ quan BHXH tỉnh dự kiến đẩy mạnh phối kết hợp chặt chẽ hơn với các tổ chức dịch vụ thu, triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp nhằm vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng.
Các tổ chức dịch vụ thu đẩy mạnh khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu người chưa tham gia BHXH, BHYT theo các nhóm đối tượng tiềm năng do cơ quan BHXH bàn giao; giao các điểm thu chủ động phối hợp với cán bộ BHXH chuyên quản xã, phường, thị trấn thực hiện tuyên truyền, tư vấn, vận động trực tiếp từng người dân tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trở lại để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
Mỹ Chí