Thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó gần 75% là chợ nông thôn. Đa phần là các chợ thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ; số lượng chợ đầu mối, chợ tổng hợp quy mô lớn có chức năng bán buôn, thu gom, phát luồng hàng hóa còn khiêm tốn (83 chợ đầu mối, chiếm 0,97% tổng số chợ).
Nhiều bất cập
Theo Bộ Công Thương, mạng lưới chợ đầu mối nông sản ở Việt Nam hiện nay đã có một số mô hình bước đầu phát triển khá tốt nhưng vẫn còn một số hạn chế, tồn tại chưa tương xứng với vai trò quan trọng và yêu cầu phát triển.
Đa số các chợ đầu mối vẫn áp dụng phương thức giao dịch truyền thống (giao ngay), mua bán qua hợp đồng còn ít, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chủ yếu các thương lái gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc trang trại.
Các dịch vụ hỗ trợ mua bán như dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ giám định và kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu, dịch vụ phân loại, bao gói, bảo quản hàng hóa nông sản… hầu như chưa được tổ chức và cung ứng tại chợ, kể cả những chợ đầu mối nông sản quy mô lớn.
Việc kết nối giữa chợ đầu mối và chợ dân sinh, siêu thị còn hạn chế. Ở nhiều nơi, các loại hàng là rau, củ, quả phần lớn được người dân từ các tỉnh chở trực tiếp đến bán tại các chợ. Bên cạnh đó, do còn hạn chế trong công tác khai thác thị trường, quảng bá sản phẩm nên hàng hóa tại chợ đầu mối chưa cung cấp được cho các siêu thị.
Nguồn hàng cũng chưa được kiểm soát về mặt an toàn thực phẩm cũng như việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ khi cần thiết. Các chợ hiện mới chủ yếu đảm nhận tập trung mối hàng phân phối cho các tỉnh chứ chưa thực hiện chức năng kiểm tra chất lượng trước khi bán đến tay người tiêu dùng.
Theo ông Bùi Bá Chính, phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia Việt Nam, người sản xuất là nông dân nhưng chính người nông dân lại e ngại với việc áp dụng mã số, mã vạch và hầu như chưa tiếp cận được với công nghệ hiện đại.
Hiện nay, tại nhiều chợ đầu mối đang sử dụng công nghệ mã vạch để quản lý sản phẩm hàng hóa vào chợ, nhưng các công ty này chưa làm theo tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc toàn cầu mà theo tư duy nhỏ lẻ của doanh nghiệp (DN).
Đặc biệt, Bộ Công Thương cho biết, các chợ đầu mối đã đáp ứng nhu cầu về không gian mua bán, lưu trữ hàng hóa trong ngày nhưng diện tích dành cho xây dựng hệ thống kho bãi, bãi đỗ xe và đường giao thông nội bộ cho xe vận chuyển hàng hóa còn hạn chế.
Theo ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, nguồn vốn đầu tư cho một chợ đầu mối là khá cao (trung bình 40 tỷ đồng), trong khi nguồn từ ngân sách nhà nước còn hạn chế thì việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ đang là vấn đề thách thức. Đầu tư nước ngoài chủ yếu phát triển các loại hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại ở các thành phố lớn, còn ít quan tâm tới chợ đầu mối.
Về cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại cũng như chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, nhất là đối với chợ đầu mối còn hạn chế và chưa phù hợp, đối tượng được hưởng trong phạm vi hẹp, hầu như không có chính sách ưu đãi (thuế, đất đai, tín dụng…).
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 2 chợ đầu mối đang hoạt động và có 4 chợ hoạt động có tính chất đầu mối gồm: Chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai, chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vĩ, chợ hoa Quảng An.
Hoạt động của 2 chợ đầu mối và 4 chợ bán buôn này chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của thành phố, nguồn hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm.
Rất ít nhà đầu tư quan tâm đến chợ đầu mối vì không nhìn thấy hiệu quả |
Tạo cơ chế để thu hút đầu tư
Theo Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Tp. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ tiếp tục giữ nguyên 2 chợ đầu mối hiện có, xây dựng mới 5 chợ đầu mối và 1 chợ đầu mối tại huyện Đan Phượng để phục vụ phát triển thương mại Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Tuy nhiên, theo Quyết định 40/2015/QĐ- TTG về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016- 2020, vốn đầu tư phát triển thuộc vốn ngân sách nhà nước chỉ bố trí để chuẩn bị đầu tư và thực hiện các dự án kinh tế hạ tầng, không có khả năng hoàn vốn trực tiếp hoặc không xã hội hóa được đối với các dự án chợ đầu mối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nên Tp. Hà Nội không thể bố trí vốn đầu tư công để thực hiện dự án xây dựng chợ đầu mối.
Đến nay, Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã kêu gọi DN đầu tư vào các chợ đầu mối nhưng rất ít nhà đầu tư quan tâm vì họ không nhìn thấy hiệu quả. Mới có 2 nhà đầu tư quan tâm tới chợ đầu mối tại xã Phù Đổng (Gia Lâm) và chợ đầu mối tại xã Yên Viên (Gia Lâm) nhưng chưa có kế hoạch đầu tư cụ thể mà vẫn đang tiến hành nghiên cứu.
Trước thực trạng này, Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị Bộ KH&ĐT sửa Quyết định 40, trong đó cho phép Tp. Hà Nội sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật chợ đầu mối, kêu gọi DN tham gia đầu tư xây dựng phần nổi của chợ đầu mối.
Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho rằng Nhà nước cần hoàn thiện hỗ trợ về cơ chế chính sách, qua đó quan tâm và khuyến khích các DN đầu tư vào chợ đầu mối. Cụ thể, cho phép DN quyết định vị trí và hoạt động kinh doanh, cũng như tự DN kết nối từ vùng sản xuất đến chợ, cung cấp đến các cơ sở bán lẻ khác, các cơ sở như khu công nghiệp, trường học.
"Trường hợp có đất thuộc sở hữu nhà nước thì Nhà nước có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư xây dựng chợ thông qua các hình thức như đấu thầu, giao, cho thuê, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Các địa phương cần xác định rõ tính chất của từng dự án chợ để bố trí và cấp quỹ đất phù hợp, mức giá cho thuê hợp lý để thương nhân có thể đầu tư xây dựng chợ đạt hiệu quả", ông Hội kiến nghị.
Để các chợ đầu mối của Việt Nam có thể phát triển, PGs.Ts. Hoàng Thọ Xuân, chuyên gia thương mại, cho rằng chợ bán buôn là chợ của nhà sản xuất, phải tạo ra hệ sinh thái phục vụ cho các nhà bán buôn, tạo điều kiện cho người sản xuất bán được hàng.
"Chợ của trang trại, HTX hay nói cách khác là của người sản xuất giỏi quy mô lớn chứ không phải chợ của thương lái. Nếu cứ làm chợ cho bà bán buôn chuyên nghiệp, rẻ thì mua, ép giá nông dân rồi mang ra chợ bán thì không thành công", ông Xuân góp ý.
Hơn nữa, từ thất bại của các chợ đầu mối trước đây, ông Xuân cho rằng nguyên nhân là do chợ ở xa, không gần nơi sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Lê Thúy