Nhìn lại năm 2020, có thể thấy BHXH Việt Nam đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao như: Thực hiện tốt các chế độ BHXH (Bảo hiểm Xã hội), BHYT (bảo hiểm y tế), BHTN (bảo hiểm thất nghiệp) cho người tham gia; mở rộng đối tượng tham gia... đặc biệt là những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp, người dân trước những ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, do thiên tai bão lũ gây ra.
Vượt chỉ tiêu đề ra
Ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó: Số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng 494 nghìn người, gần gấp đôi so với năm 2019; đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện (chỉ tiêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW đến hết năm 2021 là 1% nhưng đến năm 2020 đã vượt chỉ tiêu được giao) - tăng gần 5 lần so với năm 2015. Cả nước có gần 13,3 triệu người tham gia BHTN (đạt khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Nhiệm vụ của ngành BHXH là tăng nhanh tỷ lệ người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BHTN. |
Chỉ tiêu bao phủ BHYT tiếp tục có bước tăng trưởng ấn tượng với khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015. So với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%.
"Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn. So với các quốc gia phát triển trên thế giới, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân cần từ 40 - 80 năm, trong khi Việt Nam là 17 năm", ông Sơn đánh giá.
Đặc biệt, trong trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19, nhằm tạo thuận lợi cho người thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện linh hoạt phương thức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tại nhà, chi trả gộp 2 tháng trong cùng 1 kỳ chi trả; cấp thuốc BHYT cho người bị mắc bệnh mãn tính; ngăn chặn tình trạng một số đối tượng lợi dụng, tranh thủ dịch bệnh, thiên tai để trục lợi quỹ BHXH, BHTN…
Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT được BHXH Việt Nam triển khai quyết liệt. Bộ thủ tục hành chính của ngành BHXH được cắt giảm từ 114 thủ tục (năm 2015), đến nay còn 27 thủ tục; số giờ thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp giảm từ 335 giờ/năm (năm 2015) xuống còn 147 giờ (năm 2019), hiện đã hoàn thiện các thủ tục báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB) để công nhận còn 129 giờ/năm... BHXH Việt Nam cũng triển khai thành công ứng dụng "VssID - Bảo hiểm xã hội số" trên nền tảng thiết bị di động, qua đó cung cấp các chức năng, tiện ích để tìm kiếm, tra cứu các thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT...
Mở rộng độ bao phủ BHXH
Về kế hoạch năm 2021, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết ngành sẽ tiếp tục chủ động, tích cực tham gia với các Bộ, ngành hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Ngành BHXH sẽ đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao: phấn đấu đến hết năm 2021, số người tham gia BHXH đạt khoảng 35,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia BHTN đạt khoảng 28,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,5% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ khoảng 91,56% dân số.
Theo đó để đạt được mục tiêu này, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi trốn đóng, gian lận quỹ BHXH, BHYT.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng VssID.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, chỉ khi nào có một hệ thống bảo hiểm với độ bao phủ lớn, cơ bản toàn dân thì lưới an sinh xã hội mới bền vững.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu BHXH Việt Nam cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tìm tòi cách làm mới để tiếp tục duy trì, mở rộng độ bao phủ BHYT, đặc biệt là tăng nhanh tỷ lệ người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BHTN.
"Trước hết phải thay đổi thói quen của người dân tự tiết kiệm, tích trữ phòng lúc khó khăn sang mua bảo hiểm, đóng góp vào hệ thống an sinh xã hội chung", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị BHXH Việt Nam xây dựng chiến lược, bước đi dài hơi, bài bản, đầu tư dài hạn; nhìn thẳng vào các hạn chế, bất cập trong phát triển BHYT, BHXH, BHTN; linh hoạt, sáng tạo khi triển khai thực hiện.
Thy Lê