Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ngày 24/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chỉ khi nào có một hệ thống bảo hiểm với độ bao phủ lớn, cơ bản toàn dân thì lưới an sinh xã hội mới bền vững.
Hiện nay đã có gần 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện (Ảnh: Int) |
Năm 2014, khi nhiều ý kiến cho rằng ngành bảo hiểm rất khó đạt mục tiêu 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) vào năm 2015 và 80% vào năm 2020 theo Nghị quyết số 68/2013/QH13 ban hành ngày 23/11/2013, thì bằng nhiều giải pháp, cách làm mới, năm 2015 tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã đạt 80%, và đến năm 2020 cả nước có khoảng 88 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 90,85%. Trong khi các nước thường mất khoảng 40 - 80 năm để đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 90% trở lên thì Việt Nam chỉ mất 17 năm.
“Đây là sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống. Sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng truyền thông để thay đổi nhận thức của người dân, nhưng không thể không ghi nhận vai trò nòng cốt của BHXH Việt Nam”, Phó Thủ tướng khẳng định.
BHXH Việt Nam đã hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VN-Post) hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về BHYT của hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Nhờ có tin học hóa nên hàng năm công tác giám định thông tin thanh toán đã giúp chống thất thoát, tiết kiệm khoảng 10.000 tỷ đồng, dù số lượng người khám chữa bệnh tăng qua các năm (năm 2020 là hơn 167 triệu lượt) với trên 20.000 loại thuốc, hơn 8.000 dịch vụ kỹ thuật.
Lĩnh vực BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHXH tự nguyện cũng có chuyển biến mạnh mẽ. Diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng 494.000 người, gần gấp đôi so với năm 2019 là nông dân và lao động khu vực phi chính thức; gần 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đạt khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi).
Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tìm tòi cách làm mới để tiếp tục duy trì, mở rộng độ bao phủ BHYT, đặc biệt là tăng nhanh tỷ lệ người lao động tham gia BHXH (bắt buộc và tự nguyện), bảo hiểm thất nghiệp. Trước hết phải thay đổi thói quen của người dân tự tiết kiệm, tích trữ phòng lúc khó khăn sang mua bảo hiểm, đóng góp vào hệ thống an sinh xã hội chung.
Phó Thủ tướng đề nghị BHXH Việt Nam phải xây dựng chiến lược, bước đi dài hơi, bài bản, đầu tư dài hạn; nhìn thẳng vào các hạn chế, bất cập trong phát triển BHYT, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; linh hoạt, sáng tạo khi triển khai thực hiện.
Từ kết quả hợp tác với VN-Post khi mở rộng BHXH tự nguyện trong 2 năm 2019-2020, Phó Thủ tướng cho rằng BHXH Việt Nam cần chủ động mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp khác, trước hết là trong lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe, cùng nhau xây dựng các gói bảo hiểm đa dạng, phù hợp với từng phân khúc thị trường. Đồng thời giúp cho công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm minh bạch, vì lợi ích của nhân dân.
Trong phát triển BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh việc giao chỉ tiêu cho địa phương như BHYT, quan trọng nhất là phải thay đổi suy nghĩ, thói quen của người lao động.
“Các đồng chí cần nghiên cứu phương án đưa ra các gói bảo hiểm có mệnh giá rất thấp, rất nhỏ về giá trị trong một số năm để thay đổi thói quen của người dân, đồng thời kết hợp với một số chương trình hỗ trợ an sinh xã hội. Chỉ khi nào chúng ta có một hệ thống bảo hiểm với độ bao phủ lớn, cơ bản toàn dân thì hệ thống an sinh xã hội mới bền vững”, Phó Thủ tướng gợi mở và tin tưởng BHXH Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu đề ra.
Từ kinh nghiệm phối hợp giữa BHYT và ngành y tế, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam trong xây dựng, liên thông cơ sở dữ liệu về BHXH. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để ngành LĐ-TB&XH bước vào nhóm dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính và công nghệ thông tin.
P.L