Theo UBND huyện Thạch Thất, cùng với các giải pháp phát triển kinh tế xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung, môi trường sản xuất, kinh doanh, làng nghề nói riêng được huyện quan tâm.
Đi từ nhận thức
Thạch Thất là huyện thế mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, dịch vụ và làng nghề. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, Thạch Thất có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, đặc biệt là phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và làng nghề. Thạch Thất hiện có 7 cụm công nghiệp đã cơ bản lấp đầy các doanh nghiệp đầu tư. Huyện có hơn 1.000 DN và hơn 2.000 hộ sản xuất, kinh doanh đa ngành, đa nghề…
![]() |
Tích tụ ruộng đất giúp sản xuất thuận lợi |
Sự phát triển này đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, đi cùng với đó là sự gia tăng các vấn đề về môi trường như chất thải, rác thải, nước thải và đặc biệt là môi trường tại các làng nghề. Vì vậy, chính quyền huyện Thạch Thất luôn xác định BVMT là một việc làm hết sức cấp bách và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Nhận thấy ô nhiễm môi trường đầu tiên là do là do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của con người. Vì vậy, Huyện tập trung tuyên truyền, đối thoại để thay đổi và nâng cao nhận thức về BVMT của mọi tầng lớp nhân dân.
“Khi nhận thức được tác hại của rác thải, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bản thân, gia đình mình, mỗi người dân mới có ý thức giữ gìn BVMT, mà đầu tiên là thực hiện “sạch nhà - sạch đường - sạch xóm - sạch đồng” tức là xây dựng một môi trường sống trong sạch, lành mạnh”-ông Kiều Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, cho biết.
Muốn đạt được điều này, huyện đã huy đồng bộ nhiều giải pháp cùng sự tập trung vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội cùng toàn thể nhân dân.
Đến nay, cả 23/23 xã, thị trấn của huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án về thu gom rác thải; quy chế BVMT; các nội dung về vệ sinh môi trường trong quy ước làng văn hóa. Tỷ lệ thu gom rác thải trong ngày đạt 97% phấn đấu trong thời gian tới sẽ đạt 100%.
Mô hình hiệu quả
Song song với tuyên truyền, việc xây dựng và phát triển các mô hình về sản xuất đi đôi với hoạt động BVMT cũng được huyện chú trọng. Trên địa bàn huyện hiện đã xuất hiện các “con đường bích họa” với sự chung tay của toàn dân nhằm tiến tới “đường có hoa - nhà có số”, các mô hình về tổ, đội thu gom rác hiệu quả.
Các mô hình sử dụng túi mây, làm nhựa đi chợ cũng được các cấp Hội Phụ nữ thực hiện hiệu quả. Hiện nay, HLHPN huyện Thạch Thất đã ra mắt 17 mô hình làn nhựa đi chợ và trao tặng trao 1.698 làn nhựa cho hội viên phụ nữ. Ngoài ra, Hội đã triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn cho 22.438 hội viên phụ nữ. Mô hình góp phần nâng cao ý thức trong việc phân loại rác, giảm tối đa lượng rác thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất góp phần không nhỏ vào việc BVMT.
Trong đó, Thạch Thất đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền đổi thửa: Hiện nay trên địa bàn huyện có 121 mô hình chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp đã được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt với diện tích 74,7ha. Đã thực hiện chuyển đổi được 148ha.
Thực hiện quản lý và phát triển sản xuất theo các vùng đã quy hoạch để duy trì trồng rau, các loại củ, quả hoa, ngô nếp hàng hóa, dưa chuột, ớt xuất khẩu do HTX Hương Ngải, HTX Đại Đồng… thực hiện. Gần đây là diện tích trồng cây thanh long ruột đỏ được mở rộng lên 56ha ở các xã Lại Thượng, Bình Yên, Kim Quan, Yên Trung, Cẩm Yên, Tiến Xuân... Các mô hình này được sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP, chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường đi đôi với nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt mô hình ứng dụng công nghệ cao, điển hình như mô hình nuôi lợn rừng (quy mô trên 10.000 con), trồng rau hữu cơ, rau bản địa dưới tán rừng diện tích 12 ha ở xã Yên Bình; mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất và chế biến đông trùng hạ thảo, nấm linh chi và các sản phẩm rau hữu cơ trồng theo phương pháp thủy canh ở thôn Trại Mới xã Tiến Xuân; mô hình trồng hoa ly ở xã Đại Đồng. Các mô hình này áp dụng thành công kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, giảm tác hại trong sản xuất đến môi trường, đồng thời hình thành chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Trên địa bàn huyện đang hình thành và phát triển nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với quy hoạch vành đai xanh của thành phố.
Có thể thấy, trong điều kiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp, mô hình nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao ở Thạch Thất vừa đáp ứng các điều kiện về tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, nâng cao chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo an toàn tiêu dùng đi đôi với nâng cao chất lượng môi trường. Đây cũng là xu thế tất yếu đưa nông nghiệp hội nhập.
Như Yến