Thời gian gần đây, hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến quà vặt cổng trường đã gây hậu quả nghiêm trọng, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Theo số liệu từ Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, có tới 70% - 80% thức ăn đường phố, bao gồm cả quà vặt cổng trường, được xác định là bị nhiễm khuẩn như Ecoli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Đáng lo ngại, hàng ăn vặt được bán trên những xe lưu động rất khó kiểm soát.
Nỗi lo của các bậc phụ huynh
Dạo một vòng qua các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, không khó để bắt gặp những chiếc xe lưu động bày bán đủ các món ăn nhanh như: Phô mai que, xúc xích, bắp rang bơ, kẹo bông, thịt xiên, nem nướng, chả cá viên chiên, thạch, bánh kẹo, đồ uống... Những mặt hàng này đều có giá thành rẻ, mẫu mã bắt mắt, đa dạng về chủng loại, học sinh đôi khi chỉ cần "với tay" qua tường rào là đã có ngay món đồ ăn yêu thích.
Vào vai phụ huynh mua đồ ăn cho con, phóng viên VnBusiness đã được tận mắt chứng kiến những người bán hàng "di động" này làm không ngớt tay. Hỏi mua thì được biết, ở đây mỗi xiên thịt được nướng ngay tại chỗ bán chỉ với giá 5.000 đồng, xúc xích, lạp xưởng đồng giá 8.000 đồng. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hầu hết các xe hàng, quầy bán đều không có khay đậy, người bán “ngang nhiên” dùng tay không, thậm chí có những xe hàng đứng ngay khu tập kết rác,…
Cảnh tượng học sinh tụ tập xung quanh những xe đẩy bán đồ ăn vặt tại cổng trường trở nên quen thuộc. |
Có thể thấy, thực phẩm này thường tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài mà không được che đậy cẩn thận, dễ bị nhiễm khuẩn từ khói bụi, côn trùng và tay người bán. Đặc biệt, quy trình chế biến trên xe đẩy thường không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh tối thiểu. Các dụng cụ như dao, thớt, chảo chiên không được vệ sinh kỹ lưỡng, và người bán thường sử dụng tay trần để chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn mà không dùng găng tay hoặc khẩu trang.
Theo bác sĩ Văn Tuấn Anh (Bệnh viện đa khoa Hà Trung – Thanh Hóa) cho biết, những món ăn vặt ngoài cổng trường thường không đảm bảo vệ sinh, nhiều loại gia vị, phẩm màu và chất bảo quản không được kiểm tra chất lượng thường được sử dụng để tăng hương vị và kéo dài thời gian bảo quản. Những chất này tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh lý tiêu hóa, thậm chí có thể gây hại cho gan, thận nếu tiêu thụ lâu dài.
Rõ ràng, chỉ nhìn bằng mắt thường, ai cũng thấy những đồ ăn chế biến trước cổng trường khó có thể bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Với những món ăn vặt được bán trong hàng quán, xe đẩy hay trên vỉa hè, không ai có thể quản lý được chất lượng cũng như độ an toàn vệ sinh thực phẩm.
Siết chặt công tác quản lý
Trước thực tế trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu các đơn vị trong ngành Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát an toàn thực phẩm tại khu vực trường học; phối hợp với chính quyền địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm tại khu vực trường học (bếp ăn trường học, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh trường học).
Ngoài ra, các nhà trường cần nâng cao trách nhiệm của Ban Giám hiệu, Ban phụ huynh học sinh trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại khu vực trường học.
Nhiều trường học đã có những quy định về việc học sinh tới trường không được ra khỏi cổng trường, cũng không được mua đồ ăn vặt và mang vào lớp học. Nhưng bằng cách này hay cách khác của tuổi “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, các em vẫn mua được những món đồ ăn vặt bán la liệt đó.
Hơn nữa, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện kinh doanh trước cổng trường; kiểm soát chất lượng đồ ăn vặt bằng cách test nhanh và kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những người vi phạm; kêu gọi người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, đồ chế biến sẵn tại các cổng trường thể hiện trách nhiệm, đạo đức kinh doanh để góp phần phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.
Ths. Nguyễn Thị Linh (Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam) cho rằng, cần có sự can thiệp mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý để đảm bảo môi trường an toàn cho học sinh, việc cấm hoàn toàn các xe đẩy bán hàng rong tại khu vực cổng trường có thể là một giải pháp, nhưng cần có sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ từ phía phụ huynh, học sinh và nhà trường. Quan trọng hơn, cần tăng cường giáo dục về VSATTP cho học sinh, giúp các em nhận thức rõ ràng về những nguy hại tiềm ẩn từ việc tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Về phía gia đình, các bậc phụ huynh cần hạn chế việc để con em mình sử dụng đồ ăn, quà vặt không rõ nguồn gốc được bày bán trước cổng trường. Thay vào đó, cha mẹ nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh để chế biến cho con em ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ sử dụng trong giờ nghỉ.
Chị Lan (Hà Nội) cho biết, chị đã bắt đầu chuẩn bị sẵn các bữa ăn nhẹ cho con mang theo đến trường để giảm thiểu việc tiêu thụ đồ ăn vặt ngoài cổng trường. Hơn nữa, những sản phẩm chị chọn đều đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng và chế biến sạch sẽ.
Đối với những người bán hàng rong, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về nguồn gốc nguyên liệu, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm, không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không an toàn; không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Lê Hồng