Theo các chuyên gia, việc hợp tác với các HTX trong việc cung cấp nguồn thực phẩm sạch không chỉ giúp các trường học có nguồn thực phẩm ổn định mà còn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn...
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học
Không phải ngẫu nhiên mà khi phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2024-2025 của Sở GD&ĐT Hà Nội hôm 14/8, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ngoài các vấn đề xây trường lớp, tuyển đủ giáo viên đáp ứng nhu cầu dạy học trong năm học tới, ông đặc biệt quan tâm vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học.
“Thực phẩm trong trường học rất quan trọng. Nhiều học sinh đang ăn ngày 2 bữa ở trường, 1 bữa trước cổng trường nên trước hết các em phải được ăn sạch”, ông Thanh nói, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường các quy định, giám sát để đảm bảo nguồn gốc thực phẩm sạch và bữa ăn đủ chất lượng, số lượng...
Mặc dù được lãnh đạo các địa phương quan tâm cũng như các ban, ngành đã có các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đã được ban hành và thắt chặt, nhưng thực phẩm bẩn vẫn “tìm cách len lỏi” vào các bếp ăn trường học, gây nguy hiểm tiềm tàng cho sức khỏe của các em học sinh.
Thực trạng thực phẩm bẩn xuất hiện trong bếp ăn trường học là một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu cung cấp bữa ăn cho hàng triệu học sinh trên cả nước ngày càng tăng cao. |
Thực tế thì thời gian qua, dù cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra nhưng tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra tại bếp ăn tập thể, trong đó có các trường học. Cụ thể, hồi tháng 6, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Gia Lai đã có báo cáo kết quả điều tra, xác minh thông tin vụ việc Trường THPT Chi Lăng tổ chức ăn tại bếp ăn tập thể cho gần 400 người gồm học sinh và cán bộ giáo viên, người lao động của trường. Các thức ăn như: bánh canh, xôi, nui, sườn heo chiên, canh rau má, cải thảo xào, thịt gà chiên,... khiến 19 học sinh đang ôn thi tốt nghiệp lớp 12 phải nhập viện cấp cứu nghi do ngộ độc thực phẩm.
Không chỉ ở những nơi xảy ra các vụ ngộ độc như Gia Lai mà thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, thực trạng thực phẩm bẩn xuất hiện trong bếp ăn trường học là một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu cung cấp bữa ăn cho hàng triệu học sinh trên cả nước ngày càng tăng cao. Dù các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đã được ban hành và thắt chặt, nhưng thực phẩm bẩn vẫn “tìm cách len lỏi” vào các bếp ăn trường học, gây nguy hiểm tiềm tàng cho sức khỏe của các em học sinh.
Về phía nhà trường, mặc dù các trường học đã nỗ lực kiểm soát chất lượng thực phẩm, việc này vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà trường chia sẻ rằng họ phải phụ thuộc vào nhà cung cấp và không có đủ nguồn lực để kiểm tra toàn diện mọi lô hàng.
Chia sẻ với VnBusiness, chị Vũ Thị Viên – Hiệu trưởng trường Mầm non Ánh Sao (Hà Trung – Thanh Hóa) cho biết, là một đơn vị tư nhân, nên chúng tôi luôn chú trọng tất cả mọi thứ từ những điều nhỏ nhặt nhất, đặc biệt, tại Ánh Sao phục vụ bữa ăn bán trú cho các bé nên lại càng phải khắt khe về chất lượng dịch vụ.
“Bên cạnh việc quan tâm cung ứng từ chế độ của Nhà nước, nhà trường đã chủ động hợp đồng mua sắm trang thiết bị cho bếp ăn, đảm bảo những điều kiện an toàn nhất cho các em học sinh, tuy nhiên vấn đề nguyên liệu đầu vào vẫn còn nhiều bất cập", chị Viên nói.
HTX sẵn sàng đảm bảo nguồn cung an toàn và chất lượng
Trong bối cảnh đó, để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, nhiều trường học đã ký kết hợp đồng với các đợn vị cung cấp thực phẩm, HTX uy tín. Đơn cử như HTX Nông nghiệp Vân Nam (Hà Nội), đơn vị này đã cung cấp chuối sạch được kiểm định cho hàng chục trường học trên địa bàn Thành phố. Giám đốc HTX, ông Doãn Văn Thắng cho biết, chuối sau khi thu hoạch sẽ được đưa về ủ giấm đến độ vừa phải, sau đó kiểm tra phân loại và đóng gói rồi mới vận chuyển đến các bếp ăn.
"Chúng tôi luôn cam kết với nhà trường về chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng đặc biệt là các cháu nhỏ luôn là điều mà HTX hướng đến”, ông Thắng nói thêm.
Hay như HTX rau sạch Chử Tâm (Gia Lâm, Hà Nội) HTX đang sở hữu diện tích trồng rau xanh quy mô lên tới 90.000m2. Không chỉ áp dụng tiêu chuẩn sản xuất an toàn, HTX còn đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà kính và nguồn nước được xử lý bằng công nghệ hiện đại, tưới tiêu tự động, hệ thống sơ chế hiện đại. Đặc biệt, các thành viên được đào tạo thường xuyên, cùng sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật nên nông sản của HTX luôn có chất lượng tốt nhất, an toàn nhất khi đưa ra thị trường theo tiêu chí “xanh từ đất - sạch từ tâm”. Nông sản của HTX đã cung cấp vào các hệ thống siêu thị, đặc biệt là một số trường học liên cấp để đảm bảo rau xanh an toàn cho các bữa ăn của học sinh.
Theo số liệu thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), so với nửa đầu năm 2023, số vụ ngộ độc thực phẩm 6 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 4 vụ (hơn 6%) nhưng số ca mắc đã tăng từ 956 lên 2.942 ca (tăng 307,7%). Đặc biệt, có 9 vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, khu chế xuất làm 926 người mắc, tăng 807 trường hợp so với cùng kỳ 2023.
Chị Đỗ Thị Loan - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Trong việc lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm, chúng tôi luôn ưu tiên các HTX, địa điểm tự sản tự tiêu có uy tín và đã được kiểm chứng chất lượng. Việc kiểm tra thực phẩm được thực hiện hàng ngày, từ khâu nhập hàng đến khi chế biến, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh."
Theo các chuyên gia, để tránh tình trạng thực phẩm bẩn vô tình xuất hiện tại các bếp ăn trường học gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, từ phía nhà trường, việc lựa chọn nguồn cung cấp thực phẩm cần được thực hiện một cách cẩn trọng, không chỉ dựa trên giá thành mà còn phải xem xét đến uy tín và chất lượng sản phẩm.
Nhân viên bếp ăn cần được đào tạo đầy đủ về quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, từ việc chuẩn bị nguyên liệu, chế biến, đến bảo quản thực phẩm. Trường cũng cần thực hiện giám sát thường xuyên để đảm bảo quy trình này được tuân thủ nghiêm ngặt. Khu vực bếp ăn và các dụng cụ chế biến cần được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, tránh để vi khuẩn có cơ hội phát triển.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh cơ sở, vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cá nhân, nguồn gốc nguyên liệu đưa vào chế biến, chất lượng sản phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm…
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho rằng, để đảm bảo ATTP tại bếp ăn trường học cần sự vào cuộc của cả 3 bên: Đơn vị cung cấp, nhà trường và phụ huynh học sinh. Ngay từ khâu lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, nhà trường buộc phải chọn những đơn vị đã có thẩm định của cơ quan chức năng và thông báo đến phụ huynh.
Lê Hồng