Đơn cử, từ ngày 1/7/2022, người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã... được tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% so với mức hiện hành, đồng nghĩa với mức đóng BHXH cũng tăng. Vậy câu hỏi đặt ra là lương hưu có tăng?
Tăng lương tối thiểu vùng thì lương hưu sẽ tăng
Căn cứ Khoản 2.6 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định về mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tối thiểu như sau: Người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, mức tiền lương để đóng BHXH không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
Mức hưởng lương hưu tỷ lệ thuận với mức đóng và thời gian đóng BHXH. |
Theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng chính thức được điều chỉnh tăng thêm từ 180.000 đồng - 260.000 đồng tuỳ thuộc theo vùng.
Theo quy định trên, tiền lương hưu hiện nay do người sử dụng lao động căn cứ trên tiền lương đóng BHXH. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang đóng BHXH bắt buộc hàng tháng bằng với mức lương tối thiểu vùng, do đó, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 sẽ dẫn đến việc tăng mức đóng BHXH bắt buộc, từ đó dẫn đến tiền lương hưu cũng tăng.
Tuy nhiên, tiền lương chỉ chiếm một phần trong việc tăng lương hưu, bởi ngoài mức đóng BHXH, tiền lương hưu còn phụ thuộc vào tỷ lệ lương hưu hằng tháng.
Bà Lý Hoàng Minh, Phó Trưởng phòng Hưu trí, Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam, cho biết theo quy định hiện hành, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Như vậy, mức hưởng lương hưu tỷ lệ thuận với mức đóng và thời gian đóng BHXH. Nghĩa là mức đóng BHXH càng cao, thời gian đóng càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn. Khi tính mức hưởng lương hưu, tiền lương đã đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu của người lao động đều được điều chỉnh.
Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Nhiều người lao động vẫn 'lọt' lưới an sinh
Thời gian qua, mức lương hưu của người nghỉ hưu liên tục được nâng lên, trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.
Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống cho người về hưu. Năm 2022, dù tình hình kinh tế của nước ta có khó khăn nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế là người lao động hiện nay vẫn đang khá mơ hồ, chưa biết rõ về mức tiền lương hàng tháng để đóng BHXH. Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân và Công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết khảo sát trực tiếp hơn 2.000 công nhân hồi tháng 3 vừa qua cho kết quả 12% lao động thường xuyên vay tiền chi tiêu; 35,5% vay tiền 3-4 lần mỗi tháng.
Trước mỗi kỳ họp điều chỉnh lương tối thiểu, công đoàn thường khảo sát đời sống lao động và khoảng 5 năm qua luôn cho tỷ lệ trên 30% bị túng thiếu, không có tích lũy, thường xuyên vay mượn nếu đến kỳ đóng học cho con hoặc người nhà đi viện. Nhiều người thậm chí cắm sổ BHXH hoặc chứng minh thư, vay mượn 0,5-1 triệu đồng để mua gạo, trả tiền thuê nhà.
Đáng chú ý, người lao động hiện chỉ biết phần thu nhập thực lĩnh sau khi đã trừ các khoản đóng BHXH, BHYT... mà không biết doanh nghiệp đang trả lương bao nhiêu. Lương tối thiểu theo quy định chỉ là mức thấp nhất, làm căn cứ để hai bên tự thỏa thuận với nhau, song hiện nhiều nơi chỉ trả bằng hoặc nhỉnh hơn mức này một ít, thậm chí dùng chính lương tối thiểu để đóng BHXH.
Theo bà Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội, cách tiếp cận lương tối thiểu tháng của Việt Nam chủ yếu dựa trên hợp đồng lao động. Song điều này chưa phù hợp vì tỷ lệ lao động có hợp đồng rất thấp, khoảng 60%. Quy định lao động có hợp đồng một tháng trở lên mới đóng BHXH vô tình đã để "lọt" khá nhiều người khỏi lưới an sinh.
Bà Hương cho rằng những tranh luận, đàm phán tăng lương hàng năm mới dừng lại mức tăng % mà điều thực sự phải tính toán là độ bao phủ của lương tối thiểu và cách chi trả cho các nhóm ra sao. Cần thêm những khảo sát, điều tra xã hội trên quy mô lớn về thực hiện lương tối thiểu với từng nhóm ngành nghề, lao động ra sao; nhất là người làm nghề giản đơn, hưởng lương theo giờ... Dẫn tới, việc điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm mới phần nào bù đắp được trượt giá, thực sự chưa thể là tấm lưới bảo vệ người lao động.
Thy Lê