Thống kê cho thấy, BHXH của hơn 40 tỉnh, thành trong cả nước đã chuyển gần 300 hồ sơ các doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN sang cơ quan công an xử lý theo quy định tại điều 216 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang xem xét để xử lý theo quy định.
Phát hiện hàng trăm nghìn người lao động bị đóng thiếu BHXH
Số liệu thống kê mới nhất của BHXH cho biết, trong giai đoạn 2017-2021, ngành đã thực hiện hơn 64.700 cuộc thanh kiểm tra hơn 100.000 đơn vị và đã phát hiện hơn 350.500 người lao động thuộc diện tham gia BHXH, BHYT bắt buộc nhưng chưa tham gia, hoặc bị đóng thiếu thời gian, mức đóng thấp hơn quy định, với tổng số tiền truy đóng hơn 977 tỷ đồng.
Ứng dụng VSSID giúp người lao động giám sát lại đơn vị sử dụng lao động cũng như cơ quan BHXH |
Thanh tra BHXH cũng ban hành hơn 2.600 quyết định xử phạt vi phạm về đóng BHXH, BHYT với tổng số tiền phạt hơn 112 tỷ đồng; thu hồi về quỹ BHXH số tiền hơn 51 tỷ đồng, thu hồi về quỹ BH thất nghiệp hơn 22 tỷ đồng do chi sai; thu hồi về quỹ BHYT số tiền 752 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT không đúng quy định.
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH một số địa phương tiếp tục rà soát, xử lý các sai phạm được phát hiện qua thanh kiểm tra, với số tiền vi phạm 1.027 tỷ đồng...
Điển hình, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có hàng trăm doanh nghiệp nợ các khoản bảo hiểm với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Trong đó có nhiều doanh nghiệp nợ với số tiền lớn, trên 6 tháng. Đây được coi là những khoản nợ khó đòi.
Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai, cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, BHXH Đồng Nai đã tiến hành thanh tra tại hơn 170 đơn vị, qua đó phát hiện nhiều vi phạm, phổ biến nhất là tình trạng doanh nghiệp chậm nộp, nợ kéo dài các khoản bảo hiểm; trốn đóng về đối tượng (đối tượng phải đóng bảo hiểm nhưng doanh nghiệp không đóng); đóng bảo hiểm với mức thấp hơn so với quy định.
Còn tại TP Hà Nội, tính đến đầu tháng 5/2022, tỉ lệ nợ BHXH toàn thành phố là hơn 9,1% so với tổng số tiền phải thu, tương ứng hơn 5.190 tỉ đồng. Một số đơn vị, doanh nghiệp nợ với số tiền lớn, trong thời gian dài, buộc cơ quan BHXH phải thường xuyên công khai danh sách nợ.
Đại diện BHXH nhiều địa phương cho rằng nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là do ý thức tuân thủ pháp luật của nhiều chủ sử dụng lao động chưa tốt, nhất là ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cá biệt có những doanh nghiệp cố tình tìm lý do đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động để sử dụng vào mục đích khác. Bên cạnh đó có tình trạng doanh nghiệp cố tình lách luật để giảm bớt phần trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động.
Ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội, cho rằng tình trạng nợ BHXH có chiều hướng tăng do nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa cân đối được nguồn tiền để đóng BHXH cho người lao động. Bên cạnh đó, một số đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm quy định, cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng BHXH không đúng mức quy định.
Rốt ráo xử lý doanh nghiệp nợ BHXH
Để bảo đảm quyền lợi an sinh xã hội lâu dài cho người lao động, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về tiền lương, BHXH...
Theo ông Vũ Đức Thuật, năm 2022, BHXH TP Hà Nội được BHXH Việt Nam giao chỉ tiêu thực hiện 9.000 cuộc thanh tra, kiểm tra (bình quân hơn 700 cuộc/tháng). Đây là số lượng cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm lớn nhất từ trước đến nay. Trước đó, Công an TP Hà Nội và BHXH TP Hà Nội đã ký kết phối hợp liên ngành về phòng chống tội phạm, vi phạm trong lĩnh vực BHXH.
Ông Lê Hùng Chính, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Khánh Hòa, cho biết qua 5 năm phối hợp với Công an tỉnh, hai bên đã thực hiện kiểm tra, đôn đốc thu nợ BHXH, BHYT, BHTN của 1.766 đơn vị, doanh nghiệp, truy thu được hơn 138 tỉ đồng; tham mưu UBND tỉnh xử phạt hành chính 29 đơn vị với số tiền hơn 1,4 tỉ đồng.
Đặc biệt, có những trường hợp cố tình chây ỳ BHXH Khánh Hoà đã áp dụng biện pháp “mạnh tay” hơn. Từ năm 2017 đến 2020, cơ quan BHXH tỉnh đã chuyển hồ sơ 23 đơn vị, doanh nghiệp và gửi kiến nghị sang Công an tỉnh khởi tố hình sự 10 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài.
Tuy nhiên, theo ông Chính, thời gian qua các hành vi vi phạm hành chính bị xử lý chủ yếu là chậm đóng, đóng không đủ số người, đóng không đủ mức. Do chưa có hướng dẫn để xác định hành vi "cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế", "bằng thủ đoạn khác" nên gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc làm rõ chứng cứ chứng minh cố ý của hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Trong khi đó, đưa ra giải pháp hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH cho người lao động, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ, BHXH Việt Nam xem xét, sửa đổi việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH theo hướng giao cơ quan BHXH khởi kiện theo quy định của Luật BHXH.
Nhằm ngăn chặn tình trạng trốn đóng BHXH, Tổng cục Thuế và BHXH vừa tiếp tục ký kết quy chế chia sẻ dữ liệu. Theo đó, hai bên sẽ trao đổi cung cấp thông tin về tổ chức và cá nhân trả thu nhập về mức đóng, người được đóng; phối hợp thanh kiểm tra… Đây là quy chế phối hợp được ký lần 2 sau quy chế đầu ký năm 2017. Theo thống kê, từ năm 2017 tới nay, cơ quan Thuế đã cung cấp cho cơ quan BHXH thông tin khoảng 550.000 đơn vị/năm, với số lao động từ 18 - 20 triệu người/năm. Qua đó, BHXH đã phát triển thêm 2,6 triệu người tham gia BHXH, thu hồi 3.600 tỷ đồng nợ BHXH… |
Thanh Hoa