Theo thông tin chúng tôi có được, tại huyện Quỳ Châu, các lực lượng chức năng đã điều tra, phát hiện 11/12 xã trên địa bàn có tình trạng mua bán, chuyển nhượng và chuyển đổi trái phép đất lâm nghiệp 3.433 ha của 486 hộ (có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cả đất rừng tạm giao).
Cũng nằm trong tình trạng này, huyện Con Cuông đang có hàng chục hộ dân chuyển nhượng trái phép đất lâm nghiệp cho một số đối tượng trong và ngoài huyện với diện tích hơn 300 ha, chủ yếu tập trung ở các xã Đôn Phục, Thạch Ngàn, Mậu Đức…
Sang nhượng trái phép đất lâm nghiệp
Tính đến thời điểm hiện tại, qua rà soát của ngành chức năng, toàn tỉnh Nghệ An đang có 10.038 ha đất lâm nghiệp đã được giao cho người dân nhưng lại được họ chuyển nhượng trái phép, tập trung nhiều ở các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Kỳ Sơn với các hình thức như vay mượn, cầm cố, thế chấp, bán.
Đây là đất rừng sản xuất được giao cho các hộ dân theo Nghị định 163 ngày 16/11/1999 về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp của Chính phủ.
Qua tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, lý do dẫn đến việc người dân tại các huyện miền núi Nghệ An bán đất trái phép là do nhận thức còn hạn chế, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu ăn, cần tiền chi tiêu không có nên phải bán bớt đất; một số bán đất lâm nghiệp để có tiền làm nhà; một số bán để lấy tiền trả nợ ngân hàng…
Một lãnh đạo xã Đôn Phục (Con Cuông) thừa nhận: Tình trạng người dân trên địa bàn bán đất lâm nghiệp diễn ra từ 5 năm trở lại đây nhưng mạnh nhất là những năm 2014 và 2015. Việc các hộ dân tự ý bán đất trái phép không báo cáo UBND xã là trái quy định.
Ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: Thực trạng chuyển nhượng đất lâm nghiệp trái phép là đáng báo động và nguy hiểm, bởi bà con mất đất, Nhà nước mất rừng do người chuyển nhượng sẽ có thể phá rừng chuyển sang mục đích khác. Nhiều người dân không còn đất sản xuất, đời sống khó khăn lại phá rừng, gây khó khăn trong công tác bảo vệ rừng.
Người dân ở các bản làng huyện miền núi Nghệ An có đời sống còn rất khó khăn; hầu hết người dân sống dựa vào rừng và sản xuất nông nghiệp. Đất lâm nghiệp được Nhà nước giao là tư liệu sản xuất cho người dân để phát triển kinh tế. Nay, tư liệu ấy đã bị mất đang dẫn đến nhiều hệ luỵ.
![]() |
Huyện Con Cuông đang có hàng chục hộ dân chuyển nhượng trái phép đất lâm nghiệp |
Trách nhiệm thuộc về ai?
Nghịch cảnh trớ trêu đang hiện hữu tại các địa phương xảy ra tình trạng người dân bán chui đất lâm nghiệp là sau khi bán đất, không có đất sản xuất, nhiều người dân đã buộc phải quay lại làm thuê, kiếm sống ngay chính trên thửa đất mà mình từng sở hữu.
Trong quá trình lấy thông tin tư liệu cho bài viết, điều chúng tôi quan tâm, chú ý nhất là vì sao trong nhiều năm qua, hàng ngàn ha đất lâm nghiệp được chuyển nhượng, mua bán trái phép nhưng ngành chức năng lại chậm trễ trong việc phát hiện. Chỉ đến khi các thương vụ mua bán, chuyển nhượng đã hoàn thành thì mới biết và xử lý.
Một lãnh đạo tại huyện Quỳ Châu lý giải: Khi một số hộ tự ý phát rừng để trồng keo, các xã mới vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân thì mới biết đất rừng đó đã được chuyển cho người khác sử dụng.
Bàn về trách nhiệm khi để xảy ra thực trạng hàng ngàn ha đất lâm nghiệp đã bị bán chui, lãnh đạo một số địa phương cho biết: Trách nhiệm này trước hết là của các hộ dân rồi đến chính quyền địa phương, các cơ quan được giao quản lý rừng và đất rừng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho hay: “Việc điều tra, xử lý vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều hộ dân đã chuyển nhượng “chui”, không phối hợp với cơ quan chức năng. Quá trình mua bán, sang nhượng trái phép được ngụy tạo bằng vỏ bọc là “phối hợp làm kinh tế rừng”…
Theo ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, vấn đề thu hồi đất lâm nghiệp chuyển nhượng trái phép là rất nan giải.
Ông Lâm chia sẻ: Chúng tôi đang phối hợp với các ngành để tìm giải pháp hạn chế tình trạng này. Trước mắt, UBND các huyện và Sở TN&MT cần phối hợp để rà soát và tìm giải pháp để thu hồi vì diện tích đất lâm nghiệp đều đã giao cho huyện quản lý.
Sở NN&PTNT sẽ giao cho lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác quản lý đất lâm nghiệp, không để xảy ra tình trạng bán đất lâm nghiệp trái phép trong thời gian tới.
Thanh Nguyễn