Sau khi tiêm vắc xin Covid-19 vào ngày 17/12, các tình nguyện viên có biểu hiện đau nhẹ ở vùng tiêm vì đây là mũi tiêm bắp, có người sốt nhẹ do phản ứng khi tiêm.
Theo lãnh đạo của Học viện Quân y, đây đều là những biểu hiện bình thường giống như sau khi tiêm các loại vắc xin thông thường.
Từ chiều 20/12, các tình nguyện viên có thể về nhà, hoặc có thể tiếp tục ở lại Học viện Quân y thêm 1-2 ngày để theo dõi, tùy theo nguyện vọng.
Sau khi trở về địa phương, các tình nguyện viên sẽ tiếp tục được cơ sở y tế tại địa phương theo dõi 56 ngày.
Ba tình nguyện viên sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 khỏe mạnh, bình thường (Ảnh minh họa/Inte) |
GS TS.Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, theo quy trình được Bộ Y tế thống nhất, ba trường hợp này đặc biệt quan trọng, nếu sau khi tiêm không có biến cố gì sẽ tiến hành tiêm thêm một số trường hợp khác và Học viện Quân y cũng thực hiện đúng quy trình tiêm thử nghiệm, đánh giá sức khỏe các trường hợp này.
Về phía Bộ Y tế, TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học- Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho hay, Bộ Y tế đã thành lập ba đoàn giám sát hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu. Trong đó, một là đoàn của Bộ Y tế và Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia, đoàn thứ 2 của Học viện Quân y và đoàn thứ 3 là tổ chức giám sát độc lập do nhà tài trợ thuê.
Giai đoạn 1 không có nhóm đối chứng, 60 tình nguyện viên sẽ chia làm 3 nhóm tương ứng tiêm 3 hàm lượng 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg.
Giai đoạn 2 sẽ chia thành nhóm sinh miễn dịch và nhóm tiêm giả dược với tổng số lượng khoảng 200-400 tình nguyện viên.
Giai đoạn 3 sẽ cần 1.500- 3.000 tình nguyện viên và mở rộng đến 10.000 người. Thử nghiệm được thực hiện theo hình thức gối đầu. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, dự kiến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ hoàn tất cả 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Bộ Y tế và Học viện Quân y khẳng định, mục tiêu tối thượng của nghiên cứu là phải đảm bảo an toàn cho tình nguyện viên tham gia. Nếu phát hiện có bất thường, nhóm nghiên cứu sẽ ngừng thử nghiệm ngay lập tức.
Vũ Hồng