Theo thống kê từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Bình Phước có 375 hộ bán điều non, 371 hộ trồng điều cầm cố tài sản, với hơn 523ha, tổng giá trị trên 43 tỷ đồng.
Đơn cử, tại huyện Bù Gia Mập, hiện có hơn 200 hộ bán điều non, cầm cố tài sản, trong đó, riêng xã Bù Gia Mập có đến 49 hộ cầm cố tài sản, 16 hộ bán điều non với trên 24ha.
Nan giải vấn nạn mua bán điều non
Ông Đặng Sỹ Oánh - Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập), cho biết: “Vấn nạn mua bán điều non tồn tại nhiều năm qua. Theo tính toán, mỗi ha điều bán non, bà con thiệt hại 40 - 50%. Các thủ đoạn mua điều non diễn ra tinh vi, chủ yếu tại các vùng dân tộc thiểu số, khiến chúng tôi rất khó kiểm soát”.
Nạn cầm cố tài sản, bán điều non đang thực sự trở thành “bài toán” nan giải cho cơ quan chức năng. Tại Bù Gia Mập, có vườn bán trước một vụ, hai vụ, có vườn bán trước cả chục vụ. Nhiều thời điểm, cả xã chỉ còn khoảng 30 - 40% số vườn tự canh tác, còn lại là bán cho thương lái.
Ông Bon Bloi - một chủ vườn điều tại xã Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập), chia sẻ: “Nhà tôi có 2ha trồng điều. Tháng 2/2016, con trai tôi nằm viện, phải chi mất gần 30 triệu, không xoay được tiền nên đành bán vườn điều. Giá lúc đó là 15 triệu đồng/ha/năm, bán 3 năm thì họ trả 50 triệu”.
Sở hữu 3ha trồng điều, ông Điểu Hiêng chia sẻ: “Năm ngoái (2016), nhà tôi phải cầm cố 2ha điều trong 3 năm để trả nợ vay gần 50 triệu. Tôi cũng xót lắm vì giá điều đang đắt, nhưng vì nợ đến hạn, không trả thì họ “siết” cả vườn nên đành phải bán”.
Theo cán bộ huyện Bù Gia Mập, bình quân 1ha vườn điều chăm sóc tốt cho lãi xấp xỉ 30 triệu đồng. Khi bán cho thương lái, người dân chịu thiệt 50 - 60% giá trị. Nhưng vì kinh tế khó khăn, lợi ích trước mắt nên nhiều nhà vườn chấp nhận bán vườn. Các hộ dân thường bán vườn trong thời gian 2 - 10 năm.
Tình trạng cầm cố tài sản, bán điều non tại các huyện Bù Đăng, Bù Đốp… cũng đang trở thành vấn nạn nhức nhối, làm đau đầu các cơ quan chức năng.
![]() |
Tình trạng mua bán điều non, cầm cố tài sản vẫn đang là ‘bài toán’ nan giải tại Bình Phước
Siết quản lý, ngăn bất trắc
Năm 2010, khi nạn mua bán điều non tăng “chóng mặt”, UBND tỉnh Bình Phước đã ra Chỉ thị số 14 nhằm tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thực hiện, vấn nạn cầm cố tài sản, mua bán điều non vẫn chưa “giảm nhiệt”.
Thậm chí, tại nhiều thời điểm, vấn nạn bán điều non còn trở nên phức tạp hơn. Điển hình như thời điểm tháng 6/2014, tại hai huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập có 668 hộ bán điều non, với diện tích khoảng hơn 1.000 ha, tổng trị giá hơn 11,8 tỷ đồng (tăng 201 hộ và 404ha so với năm 2013).
Theo cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước, thủ đoạn của các thương lái là lợi dụng khó khăn về kinh tế của nông dân, tiến hành cho vay thế chấp lãi cao. Đến hạn, khi người dân không trả được, các đối tượng đến siết nợ, buộc người dân phải gán vườn điều
Ông Nguyễn Đình Sang - Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, cho biết: “Nhiều nhà sau khi cầm cố vườn điều thì bán luôn cả đất, tiêu hết tiền thì buộc phải đi làm thuê, xâm canh đất rừng để trồng mì (sắn), thậm chí đi vay nặng lãi.
Các thủ đoạn dụ dỗ, mê hoặc người dân ngày càng tinh vi, người dân lại ham cái lợi trước mắt nên tình trạng này kéo dài dai dẳng, nhức nhối nhiều năm qua”.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bình Phước đang tăng cường các biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng cầm cố tài sản, mua, bán điều non.
“UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý giao dịch không thuộc hệ thống ngân hàng về mua, bán điều non, cầm cố tài sản. Khi phát hiện các giao dịch có sự chèn ép về giá, quyền lợi, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời. Các địa phương cũng chủ động rà soát phân loại các đối tượng, có biện pháp răn đe và giải quyết từng vụ việc theo đúng quy định”, ông Sang cho hay.
Văn Nguyễn