Tính từ vùng đáy hồi tháng 11/2022, cổ phiếu CTD đã tăng tới hơn 250%. So với các cổ phiếu cùng ngành khác như HBC, HUT, VCG, DPG, HTN..., CTD cho hiệu suất đầu tư vượt trội hơn hẳn.
Cổ phiếu CTD tăng trần lên mức 75.700 đồng/cp trong phiên 13/3. |
Trở lại hiện tại, sự tích cực của cổ phiếu CTD diễn ra sau khi “ông lớn” ngành xây dựng này “khoe” trúng hàng loạt các gói thầu lớn với tổng giá trị hơn 15.000 tỷ đồng trong bối cảnh ngành xây dựng vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Điều này cho thấy sự đảm bảo vững chắc cho nguồn việc dồi dào trong tương lai.
Bên cạnh đó, so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành, “sức khỏe” của Coteccons vẫn cho thấy sự khả quan hơn hẳn. Đây có thể chính là một phần động lực giúp CTD giữ được “phong độ”.
Theo năm tài chính mới từ 1/7/2023 đến hết 30/6/2024, báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm, tổng tài sản của Coteccons là 21.652 tỷ đồng, trong đó lượng tiền lên đến 4.304 tỷ đồng, chiếm 20% tổng tài sản (chưa bao gồm khoản đầu tư chứng khoán và đầu tư tài chính khác).
Chất lượng các khoản phải thu của Coteccons đến từ tệp khách hàng uy tín đã cải thiện rõ ràng, dự phòng cho các khoản nợ phải thu khó đòi đã giảm 44 tỷ đồng, tương đương 46%. Công tác tối ưu chi phí đã giúp cho Coteccons giảm đáng kể chi phí vận hành, giảm 81 tỷ đồng, tương đương với mức giảm 28% so với cùng kỳ.
Kết thúc nửa đầu năm tài chính 2024, Coteccons ghi nhận doanh thu đạt 9.784 tỷ đồng, lợi nhuận cũng đạt 136 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 55% và 50% kế hoạch được đề ra.
Nhờ có tình hình tài chính lành mạnh cũng như tích cực tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, như việc đẩy mạnh phát triển mảng xây dựng công nghiệp, xúc tiến đầu tư ra thị trường nước ngoài..., trong giai đoạn 2024-2026, Chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng lợi nhuận ròng của Conteccons sẽ tăng trưởng mạnh với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 107%, từ mức nền thấp trong giai đoạn 2020-2023. Điều này là nhờ công ty sở hữu lượng backlog có giá trị lớn, đạt 20.000 tỷ đồng tính đến hết năm 2023.
Dù vậy, BSC cũng nhận định Coteccons khó có thể đạt được mức nền lợi nhuận cao như giai đoạn tăng trưởng mạnh 2015-2019 (P/B trung bình 2x) do môi trường cạnh tranh của ngành xây dựng ngày càng cam go, việc thay đổi chủ sở hữu khiến cho nhà thầu lớn này không có được lợi thế về mối quan hệ với một số chủ đầu tư, thị trường xây dựng công nghiệp tại Việt Nam còn khá eo hẹp... Vì thế, CTD cũng sẽ khó có thể đạt được mức định giá cao như giai đoạn trước.
Châu Anh