Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý IV/2023 với doanh thu 2.190 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm mạnh giúp công ty lãi gộp 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 462 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính của Xây dựng Hòa Bình đạt hơn 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là âm gần 113 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm trong khi chi phí bán hàng tăng nhẹ. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận khoản lỗ 32 tỷ đồng từ công ty liên kết.
Tuy nhiên, “ông lớn” ngành xây dựng này lại được hoàn nhập 223 tỷ đồng phí quản lý doanh nghiệp. Theo thuyết minh BCTC, đây là khoản hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi ở mức 310 tỷ đồng. Kết quả, Xây dựng Hòa Bình báo lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 103 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.200 tỷ đồng.
Xây dựng Hoà Bình báo lỗ luỹ kế 2.900 tỷ đồng. |
Lũy kế năm 2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu 7.546 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022. Tuy nhiên, công ty vẫn lỗ 777 tỷ đồng cả năm, cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 2.600 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2023, Xây dựng Hòa Bình vẫn đang lỗ lũy kế gần 2.900 tỷ đồng, qua đó kéo vốn chủ sở hữu giảm gần 63% so với tại đầu năm 2023 còn gần 454 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình đạt 13.054 tỷ đồng, giảm hơn 2.500 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của công ty chiếm phần lớn tài sản, ở mức 8.820 tỷ đồng, giảm khoảng 2.000 tỷ so với đầu năm. Lượng tiền mặt và tiền gửi của công ty chỉ còn 390 tỷ đồng.
Các khoản phải thu (cả ngắn và dài hạn) của công ty tại ngày cuối cùng của năm 2023 cũng giảm 20% so với đầu năm còn 8.820 tỷ đồng, chủ yếu giảm do hoạt động thu hồi công nợ từ khách hàng trong năm qua. Đây cũng là khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của doanh nghiệp.
Tổng dư nợ vay tài chính của Xây dựng Hòa Bình ở mức 4.718 tỷ đồng, giảm 23% so với thời điểm đầu năm 2023, song cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu doanh nghiệp.
Không chỉ ghi nhận kết quả kinh doanh kém sáng, trong thông tin mới nhất, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đang ghi nhận số tiền nợ bảo hiểm xã hội gần 40 tỷ đồng, thời gian chậm đóng là 9 tháng, đứng đầu danh sách 15.288 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên tính tới ngày 31/12/2023 của Bảo hiểm xã hội TP.HCM.
Chiều ngược lại, nối tiếp đà tăng trưởng ấn tượng trong quý I năm tài chính 2024, Coteccons đã có một quý II (1/10 – 31/12/2023) thành công lớn với lợi nhuận tăng trưởng bằng lần, đưa tổng lợi nhuận lũy kế 6 tháng tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, quý II, doanh thu thuần đạt 5.660 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Song, đây là quý có doanh thu lớn nhất 4 quý qua và là lần thứ 2 kể từ năm 2020 đến nay, Coteccons có doanh thu một quý vượt trên ngưỡng 5.000 tỷ đồng (cùng với quý IV/2022: 6.230 tỷ đồng).
Nhờ quản trị tốt giá vốn, lợi nhuận gộp quý II chỉ giảm 1,7% so với cùng kỳ, đạt 169 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 2,9%.
Trong quý, công ty có 67 tỷ đồng doanh thu tài chính và 6 tỷ đồng lợi nhuận khác (hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình). Công ty cũng tiết giảm được 49% chi phí tài chính và 33% chi phí quản lý.
Nhờ đó, “leader” ngành xây dựng báo lợi nhuận trước thuế quý II đạt 89 tỷ đồng, tăng 3,4 lần so với cùng kỳ. Khấu trừ thuế, lợi nhuận còn 69 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ, cao nhất 12 quý qua.
Lũy kế 6 tháng đầu năm tài chính 2024, doanh thu thuần của Coteccons đạt 9.783 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 269 tỷ đồng, tăng 32%. Biên lợi nhuận gộp đạt 2,7%.
Trong 6 tháng, công ty ghi nhận doanh thu tài chính đạt 168 tỷ đồng, tăng 10%; chi phí tài chính 63 tỷ đồng, giảm 39% và chi phí quản lý 205 tỷ đồng, giảm 28%.
Công ty đã kết lại 6 tháng năm tài chính 2024 với kết quả lợi nhuận vô cùng ấn tượng: lợi nhuận trước thuế 175 tỷ đồng, tăng 7,4 lần; lợi nhuận sau thuế 135 tỷ đồng, tăng 8,8 lần. Đây là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất dưới “sự cầm trịch” của ông Bolat Duisenov.
Năm 2024, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu 17.793 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 274 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, công ty đã hoàn thành 55% mục tiêu doanh thu và 49% mục tiêu lợi nhuận.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Coteccons đạt 21.652 tỷ đồng, tăng 1,3% so với đầu năm tài chính (30/6/2023).
Cơ cấu tài sản trong 6 tháng qua không có quá nhiều biến động. Điểm tích cực hơn cả là quy mô vốn bằng tiền của doanh nghiệp được nâng lên.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày kết thúc năm 2023 đạt 13.244 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay giảm 10%, đạt 1.078 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu đạt 8.407 tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,57 lần.
Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh 6 tháng qua đạt 536 tỷ đồng, do giảm hàng tồn kho (553 tỷ đồng), tăng các khoản phải trả (437 tỷ đồng). Dòng tiền đầu tư dương 542 tỷ đồng, giúp lưu chuyển tiền thuần trong kỳ dương 959 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của 2 doanh nghiệp đầu ngành xây dựng này lại đang ghi nhận diễn biến trái ngược với kết quả kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu HBC đã tăng từ mức 7.870 đồng/cp lên 9.180 đồng/cp với nhiều phiên tăng trần. Trong khi đó, cổ phiếu CTD vẫn đi ngang quanh vùng giá 68.000 đồng/cp.
Châu Anh