Thủy sản Minh Phú vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023, ghi nhận quý lỗ thứ 2 trong năm.
"Vua tôm" ghi nhận quý lỗ thứ 2 trong năm. (Ảnh: Int) |
Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 2.993 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn hàng bán, lãi gộp công ty thu về giảm 59% xuống còn 321 tỷ đồng. Cùng chiều giảm trên, doanh thu hoạt động tài chính trong quý đạt 21 tỷ đồng, thấp hơn 38% cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, Thủy sản Minh Phú rất tích cực tiết giảm các chi phí trong quý III/2023. Cụ thể, dù chi phí lãi vay tăng 63% lên 39 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính của công ty vẫn giảm 13%, xuống còn 76 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng đạt 204 tỷ đồng, giảm 35% so với quý III/2022.
Kết quả, sau thuế, Thủy sản Minh Phú ghi nhận lỗ 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi hơn 332 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 7.465 tỷ đồng, giảm 46%. Sau khi trừ các chi phí, “vua tôm" lỗ 109,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lợi nhuận 571 tỷ đồng vào cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2023, công ty lên kế hoạch doanh thu 12.790 tỷ đồng và lãi sau thuế 639 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Thủy sản Minh Phú đã thực hiện được 58% kế hoạch doanh thu và còn rất xa mới có thể đạt mục tiêu lợi nhuận đã đề ra.
Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Thủy sản Minh Phú đạt 10.973 tỷ đồng, tăng nhẹ so với số đầu kỳ. Tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận giảm 50% xuống còn 414 tỷ đồng. Trong đó, giảm chủ yếu là lượng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống sụt giảm hơn 78%, còn 131 tỷ đồng.
Chỉ số hàng tồn kho tại cuối tháng 9/2023 đạt 5.650 tỷ đồng, tăng 12%. Theo đó, tất cả hàng tồn kho được Thủy sản Minh Phú dùng để đảm bảo cho khoản vay của công ty tại BIDV và Vietcombank.
Tính đến cuối quý III/2023, dư nợ của Thủy sản Minh Phú là 4.915 tỷ đồng, tăng 8% so với số đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm phần lớn cơ cấu với 4.079 tỷ đồng, tăng 7%.
Trước đó ít ngày, CTCP Vĩnh Hoàn bất ngờ công bố gia hạn thời gian nộp và công bố Báo cáo tài chính quý III/2023 chậm nhất vào ngày 15/11/2023.
Vĩnh Hoàn cho biết, do công ty và các công ty con phải tiếp đoàn kiểm tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong thời gian từ ngày 19/10/2023 đến ngày 27/10/2023 cho kỳ kiểm tra hành chính lần thứ 19 đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, nên công ty không kịp lập báo cáo tài chính quý III/2023 vào ngày 30/10/2023 như quy định hiện hành.
Nhìn lại quý II/2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 2.723,68 tỷ đồng, giảm 35,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 412,43 tỷ đồng, giảm 47,7%. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 25,9% xuống 20,7%.
Mặc dù trong kỳ đã tiết giảm chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng kết quả lợi nhuận của “nữ hoàng cá tra” vẫn giảm 47,7%, nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận gộp lao dốc.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 4.945,27 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 631,4 tỷ đồng, giảm 52,8%.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh tỷ giá vẫn neo cao, các doanh nghiệp thủy sản như CTCP Vĩnh Hoàn, Thủy sản Minh Phú… sẽ hưởng lợi đáng kể khi phần lớn doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu, đồng thời nợ vay bằng USD không lớn. Tuy nhiên, với kết quả hiện tại của 2 doanh nghiệp đầu ngành đạt được cho thấy rất có thể kết quả cuối năm khó như kỳ vọng.
Trên thị trường, cổ phiếu VHC và MPC đều đang có xu hướng đi xuống trong những phiên gần đây. Chốt phiên 30/10, cổ phiếu VHC và MPC lần lượt đứng ở mức 67.300 đồng/cp và 16.700 đồng/cp.
Châu Anh